Nga cảnh báo nguy cơ chiến tranh nếu Mỹ áp đặt lệnh phong toả hàng hải
Việc Mỹ sử dụng hải quân phong tỏa đường biển nhằm ngăn cản Nga vận chuyển năng lượng vào Trung Đông sẽ dẫn tới một tuyên bố chiến tranh.
"Việc phong tỏa tương đương với một tuyên bố chiến tranh theo luật pháp quốc tế", Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại thuộc Hạ viện Nga Aleksey Pushkov nhấn mạnh.
Mỹ không loại trừ khả năng phong tỏa các tuyến đường hàng hải của Nga vào khu vực Trung Đông. Ảnh: Sputnik |
Tuyên bố này được ông Pushkov đưa ra không lâu sau khi Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke cho biết Washington đang xem xét phong tỏa đường biển nhằm ngăn cản Nga vận chuyển năng lượng vào Trung Đông, gây áp lực kinh tế lên nước này.
“Dựa vào lực lượng hải quân hùng hậu, Mỹ hoàn toàn có thể chắc chắn rằng, các tuyến đường biển vẫn sẽ tiếp tục mở cửa, tuy nhiên trong trường hợp bắt buộc, chúng tôi sẽ triển khai các hoạt động phong tỏa để ngăn chặn Nga gia tăng ảnh hưởng chính sách năng lượng của nước này vào khu vực Trung Đông”, ông Zinke cho hay.
Ông Zinke lưu ý rằng, nền kinh tế Nga hoàn toàn phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng, đồng thời bày tỏ tin tưởng, lý do Nga tăng cường hiện diện ở Trung Đông có liên quan mật thiết tới các dự án năng lượng.
"Tôi nghĩ lý do cho sự hiện diện của Nga ở Trung Đông là họ muốn trở thành một người chơi có ảnh hưởng lớn trong thị trường năng lượng của khu vực này, như họ đang làm ở Đông Âu", Bộ trưởng Mỹ nhận định.
Tuy nhiên, ông Pushkov khẳng định, việc Washington cáo buộc Nga mở rộng thương mại là nguyên nhân dẫn tới sự hiện diện của Moscow tại Damascus là vô nghĩa.
"Ý tưởng cho rằng Nga cung cấp năng lượng cho Trung Đông hoàn toàn xa rời thực tế. Nga không cung cấp năng lượng cho khu vực này và cũng chưa bao giờ công bố kế hoạch nào như vậy", ông Pushkov nhấn mạnh.
Trả lời phỏng vấn RT ngày 30/9 thượng nghị sỹ Sergey Tsekov nói về phát biểu của ông Zinke:
"Tôi nghĩ rằng đây là một tuyên bố ngông cuồng và thiếu tầm nhìn. Cần phải hiểu rằng đây không chỉ đơn thuần là áp đặt lệnh trừng phạt. Việc phong tỏa chỉ có thể được thực hiện bằng các biện pháp vũ lực. Nói cách khác, ông Zinke thực sự tuyên bố rằng Mỹ có thể tiến hành hoạt động quân sự chống lại Nga”, thượng nghị sỹ nhấn mạnh.
"Mỹ sẽ đánh mất vị thế của mình ở Trung Đông. Số lượng các quốc gia quay lưng lại với họ đang ngày càng gia tăng. Và nếu họ hợp tác với Mỹ, đó chỉ là vì Mỹ đang gây áp lực lớn lên họ. Trong khi việc hợp tác với chúng tôi (Nga) trên tinh thần quan hệ đối tác thân thiện. Chúng tôi tin rằng, những động thái như vậy của Mỹ sẽ càng củng cố vị trí của chúng tôi ở Trung Đông. Tuy nhiên, điều này không liên quan gì tới việc cung cấp năng lượng – đây tuyệt đối là cáo buộc nhảm nhí!”, thượng nghị sỹ Tsekov nói.
Các quan chức Nga cảnh báo lệnh phong toả hàng hải của Mỹ tương đương với tuyên bố chiến tranh. Ảnh minh hoạ: Wikipedia |
Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hạ viện Nga Franz Klintsevich khẳng định bất cứ nỗ lực gây áp lực nào lên nga sẽ không dẫn tới một kết quả tốt đẹp, đồng thời cảnh báo Washington nên hiểu rõ điều đó.
Một số nghị sỹ Nga khác cho rằng tuyên bố của ông Zinke “đáng lo ngại”.
"Một điều đáng lo ngại là đối tác của chúng phải đối mặt với các mối đe dọa, biện pháp trừng phạt và hành động không thân thiện thay vì thảo luận các vấn đề quốc tế cấp bách”, Hạ nghị sỹ Nga Anton Morozov cho hay và kêu gọi Moscow cần có động thái đáp trả những hành động sẽ dẫn tới căng thẳng như vậy.
Theo RT, Mỹ thường xuyên tỏ ra không hài lòng với các dự án thương mại quốc tế của Nga. Chính quyền Tổng thống Trump đang tìm cách thay thế Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt của châu Âu bằng cách thúc đẩy xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng.
Các quan chức Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi Đức rút khỏi "Dòng chảy phương Bắc 2', dự án xây dựng hai đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỷ mét khối/năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic đến Đức. Trong khi Moscow nhiều lần khẳng định đây là một dự án thuần kinh tế, Tổng thống Trump cho rằng nó sẽ khiến Đức bị phụ thuộc vào Nga./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận