Kinh tế thế giới đứng trước những thách thức và cơ hội mới
Căng thẳng địa chính trị gia tăng, những thay đổi trong chính sách thuế quan khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, áp lực lạm phát, cạnh tranh thương mại... sẽ là những “rủi ro chính” đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025.
Dù được dự báo vẫn tiếp tục đà tăng trưởng, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro trong năm nay. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 được dự báo sẽ dao động trong khoảng 3,2%-3,3%. Triển vọng tăng trưởng này phản ánh những thách thức như lạm phát dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt, căng thẳng địa chính trị leo thang, đe dọa đến an ninh năng lượng và lương thực. Bên cạnh đó, tình trạng suy thoái trong các ngành công nghiệp quan trọng, dân số già hóa và thất nghiệp gia tăng có thể tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng dài hạn của nhiều nền kinh tế.
Đáng lo ngại hơn cả là căng thẳng thương mại đang gia tăng khi chỉ còn khoảng nửa tháng nữa, ông Donald Trump sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ. Sự trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi sâu sắc trong trật tự kinh tế toàn cầu.
Một trong những vấn đề đang được quan tâm nhất hiện nay là liệu ông Donald Trump có thực hiện tuyên bố áp thuế nhập khẩu từ 10% đến 20% với tất cả hàng hóa nhập khẩu và tăng lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, hay đó chỉ là một chiến lược gây sức ép để có lợi trong đàm phán. Theo Al Jazeera, nếu chính sách thuế này được thực thi, các chính phủ trên thế giới nhiều khả năng sẽ đáp trả Mỹ bằng những chính sách tương tự, qua đó kìm hãm thương mại và tác động xấu đến tăng trưởng toàn cầu. Ngân hàng Thụy Sĩ UBS từng ước tính rằng mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế phổ cập 10% sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 1% vào năm 2026.
Với phương châm "Nước Mỹ trên hết" được tái khẳng định, các chính sách kinh tế của chính quyền Trump 2.0 có thể dẫn đến sự tái cấu trúc đáng kể trong quan hệ thương mại toàn cầu. Nhiều nước có thể sẽ đẩy mạnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tìm kiếm các đối tác thương mại mới để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Thị trường tài chính toàn cầu năm 2025 cũng không tránh khỏi những biến động. Thị trường chứng khoán có thể trải qua những đợt điều chỉnh mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại và bất ổn địa chính trị. Ngành năng lượng thế giới năm 2025 cũng đối mặt với nhiều thách thức. Không ai có thể chắc chắn các cơ sở dầu mỏ và khí đốt ở Trung Đông tiếp tục an toàn khi xung đột ngày càng lan rộng. Trong trường hợp xấu nhất, nguồn cung dầu thô của thế giới sẽ sụt giảm và kéo theo giá năng lượng tăng cao, gây khó khăn cho nền kinh tế các quốc gia vốn phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Hiện nay, nhiều quốc gia thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng, trong bối cảnh Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho lục địa già qua Ukraine bắt đầu từ ngày 1-1-2025. Giới chuyên gia cảnh báo ngừng cung cấp khí đốt giá rẻ và ổn định từ Nga sẽ đẩy chi phí năng lượng tăng cao, đồng thời tạo áp lực lớn đối với lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt vốn đang lan rộng khắp châu Âu. Nhà phân tích chính trị Croatia Robert Frank nhận định: “Nếu xảy ra khủng hoảng năng lượng, châu Âu sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và điều này sẽ làm suy yếu thêm sức mạnh kinh tế của châu Âu”.
Năm 2025 cũng là thời điểm mang lại nhiều bước tiến đột phá, không chỉ tái định hình nền kinh tế thế giới mà còn tác động sâu sắc đến từng gia đình, doanh nghiệp và cả cuộc sống hằng ngày của mỗi người dân. Theo các chuyên gia, vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng được khẳng định, thậm chí sẽ trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Các cường quốc sẽ vừa tìm cách tận dụng các thành tựu công nghệ, vừa ngăn chặn sự phát triển công nghệ của các nước khác thông qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, bảo vệ sở hữu trí tuệ hay quản lý khoáng sản thiết yếu.
Bước sang năm 2025, những thách thức do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra cũng sẽ ngày càng nghiêm trọng. Năm nay có khả năng lọt vào top 3 năm có thời tiết nóng nhất. Do vậy, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tăng trưởng bền vững là bước đi tất yếu của nhiều quốc gia.
Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại và năm 2025 được dự báo sẽ ẩn chứa nhiều biến động với các thách thức và thời cơ đan xen. Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, các quốc gia cần đẩy mạnh hợp tác, đưa thế giới vận hành theo con đường an toàn hơn. “Điều này là cần thiết và có thể thực hiện được. Cùng nhau, chúng ta có thể biến năm 2025 thành một khởi đầu mới”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định trong thông điệp chào đón năm mới 2025.
BẢO CHÂU
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/kinh-te-the-gioi-dung-truoc-nhung-t...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận