Khúc côn cầu trên băng có sưởi ấm quan hệ Nga - Mỹ?
Kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai, dư luận đã bàn tán về những dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Nga đang được cải thiện. Người ta sẽ có thêm lý do để tin vào điều đó, nếu các trận đấu khúc côn cầu trên băng giữa các cầu thủ chuyên nghiệp của hai nước được tổ chức.
Điện Kremlin tiết lộ, trong cuộc điện đàm hồi giữa tháng này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tập trung thảo luận về các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cũng như các cuộc đàm phán hòa bình. Đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu khả năng tổ chức các trận đấu khúc côn cầu trên băng giữa các cầu thủ hai nước. "Chúng ta đã thấy những nỗ lực của Nga nhằm cải thiện quan hệ với Tổng thống Donald Trump và ngược lại... Tổng thống Vladimir Putin là một người rất hâm mộ môn khúc côn cầu ", Gary Smith, nhà cựu ngoại giao người Canada đồng thời là tác giả của “Ngoại giao khúc côn cầu trên băng”-cuốn sách kể về một loạt trận đấu khúc côn cầu giữa Liên Xô và Canada thời Chiến tranh lạnh năm 1972, nói với hãng tin AFP.
Cũng theo AFP, năm 2019, khi được hỏi về ngoại giao khúc côn cầu, ông Putin từng nói rằng khúc côn cầu trên băng là môn thể thao "mang mọi người lại gần nhau và giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy".

Điện Kremlin cho biết thêm, trong cuộc điện đàm nói trên, ông Trump đã ủng hộ ý tưởng của ông Putin về việc tổ chức các trận đấu khúc côn cầu trên băng giữa các cầu thủ đến từ các giải đấu chuyên nghiệp của Nga và Mỹ. Điện Kremlin cũng cho rằng các trận đấu này nên được tổ chức ở cả hai nước.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt thừa nhận khúc côn cầu đã được đề cập trong cuộc điện đàm giữa hai vị tổng thống, nhưng gạt bỏ ý tưởng về việc tổ chức các trận đấu. "Chúng tôi quan tâm đến việc bảo đảm một thỏa thuận hòa bình hơn là lên lịch các trận đấu khúc côn cầu ngay lúc này", bà Karoline nói.
Theo NBC News, mặc dù lời đề nghị tổ chức các trận đấu vẫn chưa được chấp nhận, song đây là ý tưởng có nguồn gốc sâu xa từ thời Liên Xô, khi khúc côn cầu trở thành “đấu trường ủy nhiệm” để giải quyết căng thẳng địa chính trị. Trong suốt chiều dài lịch sử thế giới, thể thao và ngoại giao cũng không hề loại trừ lẫn nhau. Với các đội tuyển khúc côn cầu của Nga và Mỹ, trong quá khứ họ đã không ít lần đối đầu với nhau tại các giải đấu lớn, điển hình như tại Thế vận hội mùa đông Sochi năm 2014.
Vấn đề là các trận đấu giữa các cầu thủ của Mỹ và Nga phải thực sự diễn ra. Dù ông Trump ủng hộ đề nghị của ông Putin, song hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận chính thức về việc tổ chức các trận đấu. Nhà cựu ngoại giao Smith đánh giá khả năng lời đề nghị này trở thành hiện thực là "50-50" và phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nói: "Cuộc xung đột ở Ukraine càng kéo dài thì khả năng diễn ra loạt trận đấu này càng thấp".
Mặc dù vậy, Lawrence Martin, tác giả một cuốn sách khác về ngoại giao khúc côn cầu trên băng cho rằng cuộc nói chuyện về khúc côn cầu với ông Trump là “chiến lược thông minh” của ông Putin, đồng thời nhấn mạnh thể thao có thể làm giảm nhiệt độ chính trị và giúp bình thường hóa quan hệ giữa các đối thủ.
Nhìn chung, NBC News nhận định, lời đề nghị nói trên là một phần của tiến trình “ấm lên nhanh chóng” đang diễn ra trong quan hệ Nga-Mỹ.
TRUNG DŨNG
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/khuc-con-cau-tren-bang-co-suoi-am-q...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận