Iran hướng tới một thỏa thuận thực chất trong đàm phán với Mỹ
Dự kiến, ngày 12-4, Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran. Các cuộc đàm phán tại Oman được xem là cơ hội để Washington và Tehran tìm kiếm một giải pháp ngoại giao và chính trị giúp hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời đây có thể là bước đệm để hai bên tiến tới một thỏa thuận mới có thể thay thế thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết vào năm 2015.
Theo Hãng thông tấn Tasnim, hai phái đoàn của Iran và Mỹ sẽ đến thủ đô Muscat của Oman vào sáng 12-4. Sau khi nhóm họp với Bộ trưởng Ngoại giao Oman, phái đoàn Iran sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ.
Ngày 11-4, trước thềm các cuộc đàm phán, cố vấn của Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Shamkhani, cho biết Iran đang tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân “thực chất và công bằng”. Trên mạng xã hội X, ông Shamkhani cho biết Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi được trao toàn quyền khi đến Oman đàm phán gián tiếp với Mỹ, hướng tới một thỏa thuận thực chất chứ không phải để phô trương hay chỉ để phát biểu trước ống kính truyền hình.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng Mỹ nên đánh giá cao quyết tâm của Tehran khi tham gia đàm phán. Viết trên mạng xã hội X, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei cho biết, Iran dự định đánh giá ý định của Mỹ và đưa ra quyết định vào ngày 12-4. “Chúng tôi đang trao cho ngoại giao một cơ hội chân thành”, ông Baghaei khẳng định.
Theo truyền thông Nhà nước Iran, các cuộc đàm phán sắp tới sẽ do Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi và ông Steve Witkoff, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ chủ trì, trong khi Ngoại trưởng Oman Badr al-Busaidi đóng vai trò trung gian.
Trước đó, ngày 7-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố Washington và Tehran sẽ đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân của Iran. Ông Trump cũng đe dọa sẽ có hành động quân sự với Iran nếu hai bên không đạt thỏa thuận nào.
Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên JCPOA được Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) ký năm 2015. Ngoài ra, chính quyền của ông cũng tái áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Tehran. Đáp lại, Iran đã ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận này. Iran luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình và sẽ không đàm phán về việc từ bỏ chương trình này.
Sau khi trở lại nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã khôi phục lại chính sách trước đây của ông là "gây sức ép tối đa" đối với Iran, nhằm giảm hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu của nước này. Mục đích của ông là buộc Tehran phải ngồi vào bàn đàm phán với Washington, qua đó ngăn chặn mọi nỗ lực của Iran nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân.
Ở hướng ngược lại, Iran quan tâm đến việc nới lỏng các lệnh trừng phạt để giảm bớt áp lực kinh tế. Dù chấp nhận đàm phán với Mỹ nhưng Tehran vẫn hoài nghi về ý định của Washington. Họ cảnh giác và lo ngại rằng nếu hai bên tiến tới một thỏa thuận thì tiến trình thực hiện thỏa thuận mới liệu có bị Washington đảo ngược giống như những gì đã diễn ra với JCPOA.
Thêm nữa, Iran muốn thỏa thuận mới phải cởi mở hơn so với thỏa thuận ký năm 2015. Bởi theo Iran, các điều khoản trong JCPOA không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại khi nước Cộng hòa Hồi giáo đã đạt được những tiến bộ đáng kể về năng lực hạt nhân so với giai đoạn 10 năm trước.
Dù còn nhiều nghi ngại nhưng việc Mỹ và Iran chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán là dấu hiệu cho thấy hai bên đều mong muốn tìm một giải pháp hạ nhiệt căng thẳng trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Trung Đông diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng. Quá trình đàm phán tại Oman liệu có giúp Washington và Tehran tìm thấy tiếng nói chung và phá vỡ bế tắc giữa hai bên về chương trình hạt nhân Iran. Điều này phụ thuộc phần nhiều vào thiện chí từ cả hai phía và cách mà họ xử lý những khác biệt để tìm kiếm một thỏa thuận thực chất, lâu dài và có lợi cho đôi bên.
HÙNG HÀ
Theo https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/iran-huong-toi-mot-thoa-thuan-thuc-...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận