Duy trì trừng phạt, không ai hưởng lợi
Mối quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) trở nên sóng gió kể từ sau khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Trong đó, “căng thẳng” nhất vẫn là việc trừng phạt kinh tế.
- Tổng thống Putin: Các bên sẽ có lợi nếu dỡ bỏ trừng phạt Nga
- Lãnh đạo Nga, Pháp hội đàm ‘trực tiếp, thẳng thắn, hiệu quả’
Cùng với Mỹ, EU bắt đầu áp đặt trừng phạt Nga sau cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi tháng 3/2014. Các biện pháp trừng phạt mà EU áp đặt chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực đặc thù của Nga như năng lượng, quốc phòng và tài chính và cấm người châu Âu đầu tư tại Nga. Ngược lại, Nga cũng đã đáp trả bằng việc thiết lập lệnh cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của châu Âu.
Kể từ đó đến nay, cứ mỗi 6 tháng các nhà lãnh đạo EU lại xem xét, đánh giá và gia hạn trừng phạt Nga.
Với lý do các điều khoản trong Thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2015 mà các bên liên đạt được nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine vẫn chưa được thực thi, EU đã liên tục gia hạn các lệnh trừng phạt này bất chấp sự phản đối từ Nga cũng như sự chia rẽ trong chính nội bộ EU.
Trong báo cáo đặc biệt của LHQ về vấn đề tác động tiêu cực của những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền của con người được công bố hồi tháng 9/2017 cho hay, kể từ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga vào năm 2014, nền kinh tế EU mỗi tháng chịu thiệt hại 3,2 tỷ USD, có nghĩa là đến nay số tiền này đã lên tới hơn 100 tỷ USD. Trong khi đó tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.
Những số liệu đó cho thấy, khi Nga và EU áp đạt các biện pháp trừng phạt lẫn nhau thì cả đôi bên đều thiệt hại nặng nề.
Tuy nhiên, Nga cũng đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu EU chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Mới đây, trong chuyến thăm Áo sau cuộc hội đàm với Tổng thống nước chủ nhà Alexander Van der Bellen, phát biểu với báo chí ngày 5/6 tại thủ đô Vienna, Tổng thống Nga Putin khẳng định các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho tất cả các bên.
Ông Putin nói: “Dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng, các nước thành viên của EU rất khó nói về xóa bỏ trừng phạt. Song điều đó cũng không gây trở ngại đối với sự phát triển mối quan hệ song phương giữa Nga và Áo. Chúng tôi sẽ tận dụng mọi cơ hội để làm tốt hơn công tác này (quan hệ với Áo), đồng thời thực hiện kế hoạch mà tôi vừa đề cập”. Ông Putin nhấn mạnh Nga không thiếu lòng tin, Nga vẫn tiếp tục duy trì thái độ mở cửa, mong muốn hợp tác với các quốc gia khác.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Kurz cho biết Nga và Áo vẫn tiếp tục hợp tác ngay cả trong những giai đoạn khó khăn. Ông nêu rõ hợp tác tốt hơn là đối đầu.
Còn trước đó, phát biểu với tờ Oe24 ngày 2/6, khi trả lời câu hỏi về việc liệu chính sách của EU đối với Nga có nên thay đổi khi chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trong chính sách thương mại của Mỹ hay không, Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache cho rằng việc xem xét lại chính sách của EU đối với Nga sẽ là thỏa đáng bởi vì các lệnh trừng phạt nói trên hoàn toàn gây tổn hại đến nền kinh tế của Áo. Đây chính là thời điểm chấm dứt các lệnh trừng phạt gây tổn thương này và bình thường hóa quan hệ kinh tế và chính trị với Nga.
Những động thái nói trên cho thấy giữa Nga và một số nước thành viên EU đang hướng đến việc xóa bỏ trừng phạt lẫn nhau để thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang gia tăng đe dọa tới sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai gần.
Tuyết Minh (tổng hợp)
( Nguồn Báo Chính phủ)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận