Đàm phán Nga-Mỹ đổ vỡ: Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước INF
Với việc Nga không chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ và Mỹ cũng khó có thể thay đổi yêu cầu của mình, hiệp ước INF đứng trước viễn cảnh sụp đổ.
Ngày 16/1, Mỹ chính thức thông báo sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/2 tới. Thông tin này được đưa ra chỉ một ngày sau khi cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Mỹ nhằm cứu vãn Hiệp ước, tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ đổ vỡ khi hai bên tiếp tục chỉ trích lẫn nhau.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế bà Andrea Thompson xác nhận thông báo này với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo bà Thompson, cuộc thảo luận với giới chức Nga để duy trì INF là "đáng thất vọng" và cho rằng Nga tiếp tục vi phạm các điểm cơ bản trong INF, không nêu rõ sẽ có điều chỉnh như thế nào với hiệp ước này trong tương lai. Lập trường của Mỹ hiện vẫn muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa 9M729 mà Mỹ cho rằng có thể cho phép Nga đánh bại các lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn. Nếu không đạt được mục tiêu này, Mỹ sẽ bắt đầu tiến trình 6 tháng rút khỏi Hiệp ước INF từ ngày 2/2 tới. Sau khi quyết định này có hiệu lực ngày 2/8 tới, sẽ không có giới hạn về việc triển khai các tên lửa tầm trung tại châu Âu hay Thái Bình Dương.
Phản ứng trước tuyên bố của Mỹ, phía Nga phủ nhận vi phạm Hiệp ước, cho rằng Mỹ đang cố gắng áp đặt “ý nguyện” của nước này lên Nga. Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang mới với châu Âu sẽ là mục tiêu chính. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 16/1 cũng tuyên bố nước này sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cứu vãn Hiệp ước, kêu gọi châu Âu trợ giúp trong các cuộc đối thoại:
“Chúng tôi sẵn sàng hợp tác để cứu vãn INF. Tôi hi vọng rằng các quốc gia châu Âu, luôn quan tâm nhất đến điều này, sẽ sử dụng ảnh hưởng để làm thay đổi lập trường của Mỹ. Chúng tôi hi vọng sẽ tìm ra giải pháp cho cách tiếp cận của Mỹ để đảm bảo sự ổn định chiến lược, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế."
Hiện không có kế hoạch cho các cuộc đàm phán tiếp theo giữa Nga và Mỹ về INF trước thời hạn mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra ngày 2/2 tới, mặc dù các nhà ngoại giao Mỹ - Nga sẽ có cuộc gặp tại Hội đồng Nga - NATO sắp tới. Với việc Nga không chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ và Mỹ cũng khó có thể thay đổi yêu cầu của mình, theo giới quan sát, điều quan trọng nhất hiện nay là phải chuẩn bị cho một viễn cảnh thế giới không có hiệp ước INF. Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg hôm 16/1 kêu gọi Nga phải quay trở lại bàn đàm phán để thỏa hiệp. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các đồng minh NATO cũng cần phải chuẩn bị cho viễn cảnh INF sụp đổ và đề nghị các nước xem xét các hậu quả.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo ý định rời khỏi INF vào tháng 10/2018 làm các đồng minh của Mỹ bất ngờ. Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được Liên Xô và Mỹ ký 30 năm trước, là một trong những nền tảng nhằm kiểm soát vũ khí hiện đại và là cơ sở cho chương trình hành động không phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu Hiệp ước này bị xé bỏ sẽ có nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang lớn. Trong bối cảnh căng thẳng nghiêm trọng giữa Nga và phương Tây hiện nay, bất kỳ bước đi đầu tiên khiêu khích nào cũng sẽ nhân rủi ro gây ra cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai đối thủ, gây nguy hiểm cho hàng triệu công dân châu Âu.
Người đứng đầu Hiệp hội kiểm sóat vũ khí Daryl Kimball ngày 16/1 cho rằng, nếu INF bị xóa bỏ ngày 2/8 tới, sẽ không điều gì có thể ngăn cản Nga phát triển tên lửa hạt nhân có thể đe dọa châu Âu. Chính quyền Mỹ cũng không do dự theo đuổi các loại vũ khí trong danh mục cấm tại châu Âu. Khi đó, hậu quả sẽ rất khó lường và khiến cả thế giới lo ngại./.
Phạm Hà/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận