Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 ở Mỹ diễn ra như thế nào?
Hai năm sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, các cử tri Mỹ lại tiếp tục đi bỏ phiếu một lần nữa vào ngày 6/11 trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
- Ông Trump tập trung vào vấn đề nhập cư để hút cử tri trước bầu cử Mỹ
- Tình báo Mỹ khẳng định Nga tìm cách cản trở bầu cử Mỹ
- Vụ bưu kiện chứa chất nổ phủ bóng đen lên nước Mỹ trước thềm bầu cử
Các cuộc bầu cử này diễn ra 4 năm một lần vào tháng 11 và được gọi là cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vì nó diễn ra vào khoảng thời gian giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống đương nhiệm.
Ai sẽ được bầu
Ngày 6/11, các cử tri Mỹ sẽ bầu toàn bộ các nghị sỹ của Hạ viện và 1/3 số nghị sỹ (35 ghế) ở Thượng viện. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu sẽ ảnh hưởng tới một nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Donald Trump.
Hiện cả Hạ viện và Thượng viện đều do đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump nắm quyền kiểm soát.
Đảng Dân chủ cho rằng họ có thể giành lại được thế đa số để kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử lần này. Trong trường hợp đó, đảng Dân chủ có thể chặn hoặc trì hoãn các kế hoạch của Tổng thống bằng cách từ chối thông qua.
Tất cả 435 ghế trong Hạ viện sẽ được bầu lại. Nếu đảng Dân chủ muốn giành quyền kiểm soát Hạ viện, họ cần phải giành được ít nhất 218 ghế.
Tình hình của đảng Cộng hòa tại Hạ viện có nhiều khó khăn. Một số lượng lớn các Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa sẽ nghỉ hưu trong năm nay, do đó, đảng này được dự báo sẽ mất khá nhiều ghế tại Hạ viện.
Cuộc chiến ở Thượng viện – hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát, cũng đáng chú ý. Tuy nhiên, việc đảng Dân chủ giành được thế đa số tại thượng viện sẽ khó hơn nhiều, bởi chỉ có 35 trong số 100 ghế được bầu lại.
Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đảng Cộng hòa vẫn nắm Thượng viện còn đảng Dân chủ nắm Hạ viện? Chỉ 1 từ có thể miêu tả: bế tắc. Nguy cơ chính phủ đóng cửa có thể sẽ gia tăng đáng kể với các thành phần đối lập nhau trong chính phủ không thể thống nhất quan điểm.
Tình hình tại Hạ viện, Thượng viện và thống đốc bang. Đồ họa: VTC
Vậy ai sẽ thắng?
Theo các cuộc thăm dò dư luận, thì đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế. Một số chuyên gia cho rằng, năm nay có thể chứng kiến “làn sóng xanh”, khi đảng Dân chủ sẽ giành lại được đa số ghế. Tất cả các dấu hiệu từ trước tới nay đều chỉ tới một sự thất bại cho Tổng thống Trump.
Tỷ lệ ủng hộ thấp của ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận có thể ảnh hưởng tới sự ủng hộ của cử tri đối với các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và tiếp thêm sức mạnh cho đảng Dân chủ.
Cũng đừng quên về cái được gọi là “làn sóng hồng”: năm nay, có nhiều ứng cử viên nữ tham gia tranh cử nhất từ trước tới nay.
Có nhiều lý do cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm nay có nhiều phụ nữ tham gia tranh cử. Một số ứng cử viên nói rằng, họ ủng hộ bà Hillary Clinton sau thất bại trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, nhưng sự tức giận với các chính sách của Tổng thống đương nhiệm mới là yếu tố phổ biến nhất.
Mặt khác, đảng Cộng hòa vẫn đang duy trì được sự ủng hộ nhờ những kết quả đạt được trong lĩnh vực kinh tế tốt.
Cuộc bầu cử có ý nghĩa gì với Tổng thống Trump?
Nhà Trắng của ông Donald Trump đang bị tác động bởi liên tiếp các vụ bê bối.
Tới nay, các lãnh đạo Dân chủ vẫn tránh nói công khai về việc “bãi nhiệm” Tổng thống Trump hay buộc ông phải từ chức. Tuy nhiên nếu giành thế đa số ở Hạ viện, đảng Dân chủ có thể thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó? Tổng thống khi đó sẽ đối mặt với một phiên tòa ở Thượng viện với các cáo buộc “phản quốc/bội tín, nhận hối lộ, hay các tội danh khác”.
Nếu 2/3 số Thượng nghị sỹ nhận thấy ông có tội, ông Trump sẽ bị bãi nhiệm chức Tổng thống và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ lên thay thế.
Vậy vấn đề khi đó sẽ lớn tới mức nào? Chưa từng có tổng thống nào của Mỹ bị bãi nhiệm sau một cuộc luận tội.
Kịch bản khác khả thi hơn: Tổng thống Trump sẽ phải đau đầu khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát chặn các kế hoạch của ông.
Bước tiếp theo?
Một khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã hoàn thành, mọi sự quan tâm sẽ hướng tới cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo vào năm 2020.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11 cũng sẽ là cuộc chạy đua vào 36 trong số 50 vị trí thống đốc bang. Trong số 36 vị trí thống đốc này, hiện 26 người là của đảng Cộng hòa.
Khi chiến dịch tranh cử tổng thống bắt đầu, các thống đốc thường đóng vai trò hỗ trợ rất lớn đối với ứng cử viên của đảng mình, bằng cách tìm kiếm các nhà tài trợ hoặc huy động các tình nguyện viên.
Vì thế, các thống đốc mới được bầu lại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ có thể sẽ có tác động lớn tới chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vào năm 2019 và 2020./.
Thùy Linh/VOV.VNTheo BBC
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận