Châu Âu lo tái diễn thảm họa người di cư
Châu Âu đang phải đối mặt với làn sóng di cư mới từ khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp sau khi Ankara tuyên bố mở cửa biên giới để người di cư tràn vào châu Âu…
Theo ước tính, hiện nay có khoảng 20.000 người di cư hiện đang tập trung dọc biên giới trên bộ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để tìm cách tràn vào châu Âu. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên vì Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ không đóng cửa biên giới trong những ngày tới.
Thực trạng dòng người di cư với giấc mơ tìm tới “miền đất hứa” để được an toàn hơn, tập trung đông ở khu vực biên giới đã gây rất nhiều áp lực lên các lực lượng an ninh của Hy Lạp. Theo Reuters, ngày 4-3, cảnh sát chống bạo động và quân đội Hy Lạp đã buộc phải sử dụng hơi cay để chống lại hàng trăm người di cư đang nỗ lực vượt qua biên giới. Đụng độ bạo lực giữa các lực lượng an ninh Hy Lạp với người di cư đã xảy ra từ cuối tuần trước.
Athens đã tăng cường kiểm soát an ninh dọc biên giới với các lực lượng quân đội, cảnh sát và xe tuần tra hoạt động ở khu vực này. Chính phủ Hy Lạp cho biết từ ngày 29-2 đến tối 2-3, lực lượng chức năng nước này đã chặn 24.203 lượt người di cư xâm nhập bất hợp pháp và bắt giữ 183 trường hợp. Hầu hết những người di cư này đến từ Syria, Afghanistan và một số quốc gia Trung Đông khác.
Làn sóng người tị nạn đổ về khu vực biên giới Hy Lạp cũng là biên giới của châu Âu, đang khiến “lục địa già” lo ngại bởi châu lục này từng trải qua “cơn ác mộng” người di cư vào năm 2015 khi hơn 1 triệu người tị nạn tràn vào. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã bày tỏ sự ủng hộ cách xử lý cứng rắn của Hy Lạp để ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn tràn vào biên giới châu Âu. Ông Seehofer kêu gọi duy trì Thỏa thuận về kiềm chế người tị nạn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu, không để lặp lại kịch bản như hồi năm 2015. Ông nhấn mạnh khi biên giới ngoài châu Âu không được bảo vệ, chính sách tị nạn của châu Âu cũng sẽ không thể vận hành và điều này sẽ gây phương hại rất lớn cả về chính trị và tài chính cho châu Âu. Bộ trưởng Đức cũng khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức cho chính quyền Athens trong việc ngăn chặn người tị nạn ở biên giới Hy Lạp.
Trước làn sóng di cư ồ ạt đổ tới Hy Lạp kéo theo những hệ lụy khó lường, 3 lãnh đạo cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) là Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã tới Hy Lạp để thể hiện tình đoàn kết với quốc gia này trước nguy cơ tái diễn khủng hoảng người tị nạn. EU cam kết khoản hỗ trợ ban đầu cho Hy Lạp trị giá 700 triệu euro, tương đương 782 triệu USD, và một nửa trong số đó sẽ được giải ngân ngay lập tức. Một lực lượng bảo vệ biên giới của EU bao gồm tàu thủy, tàu tuần tra, máy bay trực thăng… cũng sẽ được cử tới biên giới Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ ngăn dòng người di cư. Ngoài ra, 100 lính biên phòng châu Âu cũng được triển khai bổ sung bên cạnh 530 binh sĩ đã có mặt tại khu vực biên giới trước đó. Bà Ursula von der Leyen khẳng định, EU sẽ cung cấp tất cả sự giúp đỡ cần thiết cho Hy Lạp.
Tiếp các nhà lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã chỉ trích hành động mở cửa biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ để người di cư tràn vào châu Âu. Ông cho rằng điều này là “không thể chấp nhận” và Ankara đang sử dụng người di cư như “con tốt” để phục vụ “trò chơi địa chính trị trong khu vực”. Theo Thủ tướng Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ thông qua hành động này để chuyển hướng sự chú ý ra khỏi tình hình khủng khiếp tại Syria.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chỉ trích EU đã không thực hiện thỏa thuận năm 2016, theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận gần 4 triệu người tị nạn để đổi lấy 6 tỷ euro hỗ trợ tài chính từ châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố không thể tiếp nhận thêm người tị nạn từ Syria vì “quá tải” nên quyết định sẽ không giữ chân người tị nạn nữa và để họ tràn sang châu Âu.
Còn theo giới phân tích, trước những diễn biến bất lợi trên chiến trường Syria (Thổ Nhĩ Kỳ đang bị chỉ trích vì chiến dịch “Lá chắn mùa xuân” nhằm vào quân đội Syria ở Idlib), Ankara muốn sử dụng “con bài di cư" để gây sức ép với EU nhằm nhận được sự ủng hộ về quan điểm cũng như hỗ trợ nhiều hơn trong vấn đề Syria.
Theo XUÂN PHONG
( NGUỒN QĐND)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận