Xử lý phản ứng sau tiêm chủng phải làm gì?
Theo cả thực tiễn lẫn lý thuyết, tiêm chủng không an toàn tuyệt đối. Nhưng không tiêm chủng nguy cơ mắc bệnh và tử vong lại cao hơn.
Dư luận cả nước những ngày qua không khỏi lo lắng, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ trước thông tin trẻ nhỏ tử vong sau khi tiêm vaccine ComBE Five. Vậy Bộ Y tế nói gì và có nên cho con tiêm chủng nữa hay không?
Chiều 16/1, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường xử lý phản ứng sau tiêm chủng, với sự tham gia của 700 đầu cầu tại 63 tỉnh/thành trên cả nước. Tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, để tránh tối đa nguy cơ trẻ phản ứng nặng, tai biến sau tiêm vaccine, Bộ sẽ tập huấn cho toàn bộ cán bộ nhân viên y tế liên quan, xử lý sốc triệt để theo nghị định ban hành. Đặc biệt, yêu cầu các cán bộ tỉ mỉ từ những chi tiết nhỏ nhất như tìm hiểu tiền sử sản khoa, tai biến trước đó của trẻ nhỏ, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng gia đình.
Bộ trưởng cũng khuyến cáo cha mẹ theo dõi sát sao, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có bất thường.
Tiêm chủng là gây ra miễn dịch chủ động nhân tạo, chúng ta đưa vào cơ thể lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể. Sau đó, khi có kháng thể, nếu gặp vi rút gây bệnh, cơ thể đã có sẵn miễn dịch chủ động để không thể mắc bệnh.
“Khi vào cơ thể, kháng nguyên sinh kháng thể sẽ có phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó sẽ khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Với người càng khoẻ mạnh, trẻ bụ bẫm thì phản ứng sốt càng cao, chứng tỏ kháng nguyên sinh kháng thể tốt còn với trẻ yếu thường không đáp ứng tiêm kháng nguyên vào nên gần như không có phản ứng. Và trẻ em bé sốt, quấy khóc, bỏ ăn là phản ứng thông thường hay có nhiều trẻ có phản ứng sưng, đỏ, đau”, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Các bác sĩ phải tư vấn và việc các phụ huynh nhận biết những dấu hiệu cần phải đưa trẻ đi khám là rất quan trọng.
Theo Bộ Y tế, không tiêm chủng, bệnh nhân sẽ mắc bệnh và có thể đối mặt nguy cơ tử vong cao, kéo theo đó là mất nhiều chi phí điều trị bệnh.
Trong khi đó, tiêm chủng sẽ đảm bảo phòng bệnh tốt, chi phí lại thấp. Tuy nhiên, nhìn nhận cả về thực tiễn lẫn lý thuyết, tiêm chủng không an toàn tuyệt đối.
“Nếu trẻ tiêm chủng mà không có các phản ứng sốt thì không tốt. Như vậy có nghĩa kháng nguyên hoạt động không tốt, không sinh ra đủ kháng thể để chống lại bệnh tật. Trẻ yếu bệnh thì có thể lại sốt nhẹ hoặc không sốt, như vậy hiệu quả kháng bệnh cũng không cao”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.
Bộ trưởng kể lại trường hợp trẻ phản ứng do chính tay bà tiêm: “30 phút sau tiêm, bệnh nhân khi quay lại người đã tím tái, ngừng thở, mạch huyết áp còn 0. Vì vậy, không chỉ ComBe Five, kể cả những loại thuốc thông thường đều có phản ứng không mong muốn”.
Đánh giá về ComBE Five và 3 trường hợp tử vong bất thường có liên quan đến loại vaccine này, Bộ trưởng cho biết, các ca có biểu hiện phản ứng không mạnh như Quinvaxem, trẻ sau tiêm chỉ sốt nhẹ, nằm yên nhưng khi bố mẹ phát hiện đưa đi bệnh viện đã chuyển nặng, tử vong./.
Hoàng Lê/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận