Vì sao nhiều người Việt Nam bị mắc sỏi thận?
Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cao nhất thế giới. Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này là do uống ít nước, thói quen ăn uống, nhịn tiểu và do ảnh hưởng của môi trường, khí hậu.
Theo một thống kê y học, Việt Nam hiện nằm trong vùng có tỉ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu cao, hay còn gọi là “vùng sỏi thế giới”. Tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở Việt Nam từ 2-12%, trong đó sỏi thận chiếm tới 40%. Với số liệu này, Việt Nam được coi là nước có tỷ lệ mắc bệnh sỏi thận cao nhất thế giới.
Sỏi thận thường gây ra những ảnh hưởng lớn về sức khỏe như: khiến người bệnh bị đau buốt vùng mạn sườn; Thường xuyên tiểu buốt, tiểu són, tiểu ra máu, tiểu không hết; Sốt và ớn lạnh, buồn nôn; Sỏi thận lớn có thể gây tắc nghẽn đường tiểu, tắc bàng quang, làm tổn thương thận, nhiễm trùng thận…
Anh Phùng Quang Sơn (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 2 năm, khi đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ chẩn đoán anh có sỏi thận (đường kính 6mm), nhận thấy cơ thể vẫn bình thường và không có gì thay đổi nên anh chủ quan không đi khám lại để điều trị. Một năm sau đó, bỗng một ngày anh thấy đau bụng dưới quằn quại, cơn đau không dứt, anh Sơn đã đi khám bệnh và chiếu chụp, bác sĩ chẩn đoán, 1 viên sỏi đã rơi xuống niệu quản. Ngay sau đó, anh được chỉ định phải tán sỏi niệu quản gấp.
Mặc dù chỉ mất khoảng 1 tuần điều trị và phục hồi, nhưng việc tiểu phẫu cũng đã ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống, sinh hoạt sau này của anh.
Không có triệu chứng đau dữ dội như anh Sơn, anh Nguyễn Quang Tuấn (Ba Vì, Hà Nội) khi đi tiểu thì thấy nước tiểu có màu hồng, anh đã đi khám gấp và được chẩn đoán có 1 viên sỏi tiết niệu có kích cỡ tương đối to. Bác sĩ đã chỉ định anh đi bệnh viện xử lý sỏi bằng phương pháp tán nội soi ngược dòng. Tuy nhiên, 1 tháng sau đi khám, chụp lại thì vẫn thấy có những chùm sỏi nhỏ xuất hiện ở vị trí đài thận. Bác sĩ khuyên anh Tuấn theo dõi và đi khám thường xuyên để có phương án điều trị, xử lý kịp thời, rất có thể anh Tuấn sẽ phải làm tiểu phẫu lần 2.
Theo bác sĩ Lê Sỹ Trung, Trưởng khoa phẫu thuật tiết niệu, bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt Nam bị mắc sỏi thận là do Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung thuộc vành đai sỏi, dịch tễ dễ bị sỏi.
Ngoài ra, do thói quen ăn uống, bữa ăn của người Việt thường có món mặn, món xào và canh. Nếu ăn mặn nhiều, nước tiểu thải ra cũng mặn, dễ kết tinh thành sỏi.Một nguyên nhân nữa gây nên sỏi thận là do nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Người Việt có tỷ lệ nhiễm trùng đường tiểu khá nhiều.
Cũng theo bác sĩ Trung, nếu một người uống ít hơn tiêu chuẩn 2 lít nước mỗi ngày sẽ khiến cho cơ thể thiếu nước, không đào thải hết được các chất cặn bã trong thận, tiết niệu. Cùng với đó là thói quen nhịn ăn sáng, điều này sẽ khiến cho dịch mật giữ tại trong túi mật quá lâu, hình thành sỏi; lối sống không thể dục thể thao khiến các chức năng trong cơ thể hoạt động kém đi, khả năng trao đổi chất kém. Quá trình đào thải trong cơ thể không diễn ra thường xuyên cũng có nguy cơ tái mắc lại sỏi thận; việc bổ sung canxi không đúng cách, thừa canxi cũng là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận; Nhiều người hay nhịn tiểu làm nước tiểu tích tụ đầy bàng quang, bể thận kéo theo tích tụ các chất khoáng. Khi thời gian tích tụ kéo dài sẽ dễ hình thành sỏi.
Bác sĩ Lê Sỹ Trung cho rằng, để phòng ngừa sỏi thận, cần rèn luyện thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Những người từng có tiền sử mắc sỏi thận nên tránh các thức ăn có quá nhiều canxi; Hạn chế các thức ăn nhiều muối, ăn ít đường.
Đặc biệt, cần rèn thói quen uống nhiều nước mỗi ngày để thải độc cơ thể. Hàng ngày, mỗi người nên uống từ 2 – 2,5 lít nước. Số lần uống nước được chia ra làm nhiều lần trong ngày; Luyện tập thể thao điều độ; Nên tránh các chất kích thích như bia, rượu, cà phê…
“Việc khám sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng. Cần khám thường xuyên tiết niệu, ít nhất 1 năm/lần. Bởi nếu khám thường xuyên thì có thể biết cơ thể có sỏi thận khi sỏi còn nhỏ, chưa gây ra tai biến, điều trị sẽ đơn giản hơn, hiệu quả hơn, nhanh hơn và không tốn kém. Với những người hay bị rối loạn chuyển hóa, ví dụ bị gout thì phải điều trị dứt điểm bệnh gout, nếu không sẽ hình thành sỏi”, bác sĩ Lê Sỹ Trung nhấn mạnh.
Theo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tiết niệu, với viên sỏi có kích thước từ 5-7 mm không phải là vấn đề lớn, nhưng rất đáng lo ngại khi gây nhiễm trùng, tái phát nhiều lần. Khi có triệu chứng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, người bệnh cần điều trị dứt điểm vì viên sỏi gây ra nhiễm trùng nhưng nhiễm trùng cũng có thể gây ra sỏi. Vậy nên phải điều trị song song sỏi và nhiễm trùng để dứt điểm tình trạng bệnh. Với các trường hợp này, bệnh nhân có thể dùng thuốc, tán sỏi dưới da. Song song đó điều trị dứt nhiễm trùng vì nếu nhiễm trùng thì không thể tán sỏi được, chưa kể nếu nhiễm trùng sẽ tái phát nhiều lần, điều trị xong sỏi này, sỏi khác lại xuất hiện./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận