Tiêm phòng COVID-19 giúp giảm tỷ lệ mắc Hội chứng MIS-C ở trẻ
Nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 22/2 trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health, cho thấy vaccine COVID-19 có khả năng bảo vệ chống lại Hội chứng MIS-C.
Một số trẻ nhỏ và thanh thiếu niên mắc COVID-19 có thể tiếp tục phát triển một biến chứng tương đối hiếm, nhưng có khả năng đe dọa tính mạng, được gọi là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C).
Tiến sĩ Anna Yousaf, chuyên gia dẫn đầu nghiên cứu, thuộc bộ phận MIS, Nhóm Ứng phó COVID-19 của CDC, giải thích: “Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em là tình trạng các bộ phận cơ thể khác nhau có thể bị viêm, bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa. Làm thế nào và tại sao COVID-19 kích hoạt hội chứng MIS-C, cũng như tại sao một số trẻ mắc COVID-19 phát triển tình trạng này (thường từ 2-6 tuần sau lần nhiễm bệnh ban đầu) trong khi những trẻ khác thì không, vẫn chưa được xác định rõ”.
Được biết, trước khi vaccine xuất hiện, nguy cơ trẻ mắc MIS-C là khoảng 0.02% (tức 200 trên 1 triệu bệnh nhân). Tuy nhiên, nghiên cứu mới này xác định nguy cơ giảm đáng kể ở những đứa trẻ được tiêm chủng.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tất cả các trường hợp MIS-C ở trẻ em Mỹ trong khoảng thời gian từ tháng 12/2020 đến cuối tháng 8/2021. Trong thời gian đó, vaccine duy nhất được cấp phép sử dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi là Pfizer.
Kết quả cho thấy, 21 trẻ ở độ tuổi trung bình là 16 được xác nhận là đã phát triển hội chứng MIS-C trong khung thời gian đó, với hơn 60% là các bé trai. Những bệnh nhân này đều phải nhập viện, với 57% phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt. Họ cũng đều đã được chủng ngừa: 11 trẻ tiêm 1 liều và 10 trẻ tiêm 2 liều. Tất cả đều bình phục và xuất viện sớm.
Nhóm nghiên cứu xác định rằng vào cuối thời gian nghiên cứu, hơn 21 triệu trẻ em Mỹ trong độ tuổi từ 12 đến 20 đã được chủng ngừa ít nhất 1 liều vaccine COVID-19. Điều đó dẫn đến nguy cơ mắc MIS-C lên tới khoảng 1/1 triệu số trẻ em được tiêm chủng.
Phát hiện này cho thấy các trường hợp MIS-C sau khi tiêm vaccine COVID-19 là rất hiếm và khả năng mắc MIS-C cao hơn nhiều ở những trẻ mắc COVID-19 chưa được tiêm chủng.
Tiến sĩ Yousaf lưu ý, nghiên cứu này chưa làm rõ liệu việc tiêm 2 liều vaccine có thực sự khiến nguy cơ MIS-C giảm nhiều hơn 1 liều hay không, hay liệu 3 liều sẽ bảo vệ hơn 2 liều. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây, 2 liều vaccine Pfizer/BioNTech có hiệu quả ngăn ngừa MIS-C là 91%. Bà nhấn mạnh những phát hiện này cho thấy vaccine COVID-19 (hiện được khuyên dùng cho tất cả mọi người từ 5 tuổi trở lên) như là một lá chắn hiệu quả chống lại nguy cơ mắc hội chứng MIS-C.
Tiến sĩ Mary Beth Son, trưởng bộ phận của chương trình bệnh thấp khớp tại Bệnh viện Nhi Boston, nhấn mạnh: “Vì MIS-C là một biến chứng sau mắc COVID-19, nên không hoàn toàn bất ngờ khi tiêm chủng sẽ ngăn ngừa được nó. Một số cuộc điều tra khác ở Mỹ và Pháp cũng đã phát hiện ra nguy cơ mắc MIS-C ở trẻ em được tiêm chủng thấp hơn nhiều”.
Nghiên cứu mới nhất chứng minh việc tiêm vaccine chống lại virus SARS-CoV-2 hiếm khi liên quan đến MIS-C và củng cố bằng chứng rằng tiêm vaccine làm giảm nguy cơ mắc hội chứng MIS-C, bà Son nói thêm./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận