Quy tắc F.A.S.T giúp nhận diện sớm cơn đột quỵ
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh nguy hiểm này. Đáng chú ý, chỉ có 33% số bệnh nhân được cấp cứu ở giai đoạn sớm, trong vòng 6 giờ đầu.
Chỉ có 33% số bệnh nhân đột quỵ được đưa đến viện trong khoảng "thời gian vàng"
Bệnh viện Bạch Mai vừa công bố nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian qua tại 10 Trung tâm đột quỵ trên toàn quốc. Đây là nghiên cứu lớn có số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay của chuyên ngành đột quỵ với 2.310 người. Theo đó, độ tuổi trung bình bị đột quỵ là khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều gấp 1,5 lần so với nữ.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp (kết quả nghiên cứu này cho thấy có 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp).
Tăng huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ não
Nhận diện cơn đột quỵ theo quy tắc F.A.S.T
Theo các chuyên gia y tế, có thể nhận diện cơn đột quỵ theo quy tắc F.A.S.T như sau:
F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Do đó, khi thấy người thân có một trong các triệu chứng đột quỵ, cần nhanh chóng gọi người trợ giúp và gọi ngay xe cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất có đủ phương tiện, kỹ thuật, chuyên môn tái thông mạch máu não.
Nếu bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được chuyển đến bệnh viện trong 3 giờ đầu ngay sau khi bị đột quỵ và được điều trị đặc hiệu bằng thuốc tiêu huyết khối, sự phục hồi sẽ rất khả quan.
Ngược lại, nếu lỡ "thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ, người bệnh có thể tử vong hoặc có cứu được cũng để lại di chứng nặng nề, khiến người bệnh tàn phế, liệt, nằm trên giường bệnh suốt đời./.
VOV2 (Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận