Phình mạch máu não: Có nên phẫu thuật hay không?
Tỷ lệ những người trẻ mắc các bệnh về thần kinh và chứng phình mạch não là cao. Những người nghiện thuốc hay bị vỡ phình mạch não hơn.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh dẫn thống kê dịch tễ học cho biết, tỷ lệ người có dị tật não lên tới 5% dân số. Có nghĩa là cứ 100 người thì có 5 người bị dị dạng mạch ở não. Nhưng may mắn là phần ít trong số này có nguy cơ bị vỡ mạch não.
Có một số trường hợp hiện nay đang xuất hiện nhiều tại Việt Nam là động mạch não tự nhiên bị phình to và nhiều người bệnh lo lắng việc có nên mổ hay không.
“Tôi đã phải tư vấn rất nhiều. Tuần nào cũng có trường hợp bệnh nhân chụp phim phát hiện có một đoạn phình mạch, nhưng việc có nên mổ hay không lại là một câu chuyện dài. Vì khi có dị dạng mạch não nếu không mổ mà nó bất ngờ vỡ thì không cứu được. Nhưng mổ thì cũng có rủi ro. Nếu chỉ đau đầu chút chút thì có cần mổ hay không. Đây là một vấn đề khó quyết định. Các bác sĩ chuyên môn sẽ phải dựa trên hình dáng, kích thước, vị trí của đoạn phình mạch, tuổi của người bệnh để đưa ra quyết định”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết.
Ông cũng cảnh báo, tỷ lệ cao những người trẻ mắc các bệnh về thần kinh hay chứng phình mạch não và những người nghiện thuốc thì hay bị vỡ phình mạch não hơn. Uống nhiều rượu, mỡ máu cao, huyết áp cao cũng có nguy cơ vỡ phình mạch nhiều hơn.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, việc điều trị các bệnh lý thần kinh phức tạp không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn cần hệ thống trang thiết bị hiện đại. Tại Việt Nam, các trang bị thiết bị như hệ thống định vị, theo dõi dây thần kinh; kính hiển vi chuyên dụng cho hệ thần kinh, hệ thống hiển thị huỳnh quang trong phẫu thuật… giống như “mắt thần” đồng hành với bác sĩ trong khi mổ, đảm bảo an toàn, điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.
“Khi chúng tôi tiến hành phẫu thuật, có những dây thần kinh bị các khối u hay tổn thương khác chèn lên nên không thể nhìn thấy. Nó mỏng như giấy có khi nhìn dưới kính hiển vi còn không thấy. Rất khó để xác định đó là dây thần kinh hay là mô não. Có những bệnh nhân mổ xong bị lác, bị hỏng mắt hay bị liệt… Những trang thiết bị hiện đại chúng tôi đang có sẽ giúp giảm thiểu tối đa những nguy cơ trên. Yêu cầu cao nhất của chúng tôi không chỉ là chữa bệnh mà còn là trả người bệnh về lại với cuộc sống tốt nhất có thể. Tức là không để lại di chứng hay giảm thiểu tối đa tai biến và di chứng”, PGS.TS Đồng Văn Hệ cũng nhấn mạnh.
PGS.TS Đồng Văn Hệ nêu cụ thể một trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ kéo căng da mặt làm đẹp, tuy nhiên, sau đó người bệnh bị liệt mặt, méo mồm. Đây là hậu quả của quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, dây thần kinh số 7 của bệnh nhân bị khâu vào. Bệnh nhân đã phải cầu cứu các bác sĩ chuyên khoa. Với những thiết bị dò hiện đại, các bác sĩ mới có thể phát hiện dây thần kinh số 7 này và sau khi mổ, người bệnh đã ngay lập tức mở lại được mắt./
Hoàng Lê/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận