Những lưu ý cần thiết khi quyết định niềng răng
Niềng răng khắc phục triệt để các khiếm khuyết về răng như sai lệch khớp cắn, xương hàm, đem lại một hàm răng đẹp và khỏe mạnh.
Vài năm trở lại đây, phương pháp chỉnh nha (niềng răng) không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ. Nếu trước đây quan niệm niềng răng chỉ dành cho trẻ nhỏ thì giờ đây có rất nhiều những người trưởng thành tìm đến phương pháp này để có một hàm răng khoẻ và đẹp.
Trước khi quyết định niềng răng bạn cần biết những “cẩm nang đặc biệt” sau đây:
Niềng răng tốt nhất khi nào?
Có 3 hình thức niềng răng là niềng răng mặt ngoài, niềng răng mặt trong, niềng răng bằng máng trong suốt (invisalign). Trong đó niềng răng mặt ngoài được nhiều người lựa chọn nhiều nhất và có chi phí hợp lý nhất hiện nay.
Trao đổi với PV VOV.VN, BS CKI Trịnh Đức Mậu cho biết, thời điểm niềng răng tốt nhất là từ 12-15 tuổi. Đó là giai đoạn thay hết răng sữa và bắt đầu hình thành răng vĩnh viễn. Xương hàm cũng chưa quá cứng để gây chậm quá trình chỉnh nha. Giai đoạn này tốt nhất phục vụ cho quá trình chỉnh nha đem lại hiệu quả cao nhất. Kết quả thu về sẽ hoàn hảo nếu bệnh nhân gặp bác sĩ sớm để nghe phân tích tình trạng răng, từ đó có chỉ định phù hợp.
Về vấn đề có nhiều người suy nghĩ rằng niềng răng sẽ làm chân răng bị yếu, BS Trịnh Đức Mậu phân tích: “Niềng răng không hề làm răng yếu đi hay hỏng răng. Ngược lại còn cho bạn có một hàm răng chắc khoẻ hơn. Bởi răng bị lệch lạc sẽ rất khó vệ sinh răng miệng, dẫn đến viêm lợi, viêm quanh răng, lung lay răng và mất răng sớm. Niềng răng đem lại cung hàm đều đặn, dễ dàng vệ sinh răng miệng, hiển nhiên răng sẽ chắc khoẻ hơn”.
Phải “kiêng” gì khi niềng răng?
Có những trường hợp bệnh nhân niềng răng tới 3-4 năm nhưng không đạt hiệu quả. Thậm chí răng còn rơi vào tình trạng tệ hơn lúc chưa niềng. BS Trịnh Đức Mậu cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên: “Có thể do bệnh nhân không tuân thủ quá trình chỉnh nha và chỉ định của bác sĩ. Cũng có thế do bác sĩ có chuyên môn chưa tốt, đưa ra những chỉ định sai khiến cho cả quá trình niềng răng của bệnh nhân bị ảnh hưởng. Vậy nên bệnh nhân chỉnh nha cần thiết phải lựa chọn bệnh viện, trung tâm chỉnh nha, bác sĩ có uy tín và chuyên môn tốt, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ và lịch hẹn để đảm bảo cho cuộc chỉnh nha thành công”.
Khi có nhiều khí cụ chỉnh nha trong miệng, chúng ta ít nhiều gặp khó khăn trong việc ăn uống. Tuy nhiên điều này có thể khắc phục được. Bạn nên tránh ăn các đồ cứng, quá nóng hoặc quá lạnh, ảnh hướng tới các khí cụ chỉnh nha. Nên ăn đồ ăn mềm, sinh tố, ăn các thực phẩm chứa nhiều canxi để bổ sung cho răng chắc khoẻ hơn trong thời gian chỉnh nha.
Việc vệ sinh răng miệng trong quá trình chỉnh nha là vô cùng quan trọng vì bạn phải đeo nhiều khí cụ vướng víu trong miệng. Ngoài các biện pháp vệ sinh răng miệng thông thường, phải chú ý vệ sinh nhẹ nhàng theo chiều dọc hoặc xoay tròn.
“Có thể sử dụng bàn chải máy, chỉ tơ nha khoa, tăm nước, nước súc miệng để lấy sạch thức ăn. Được các bác sĩ vệ sinh răng miệng định kỳ bằng các dụng cụ chuyên dụng. Kiêng ăn các đồ ăn cứng, dai dẻo để giảm nguy cơ bung mắc cài”, BS Mậu đưa ra lời khuyên./.
CTV Ngọc Mai/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận