Những loại vaccine nào có thể tiêm phòng bệnh bạch hầu
Trước tình hình bệnh bạch hầu có nguy cơ diễn biến phức tạp, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tiêm chủng đầy đủ để có miễn dịch phòng bệnh.
Hiện đã có rất nhiều loại vaccine được ra đời nhằm phục vụ cho nhiều đối tượng tiêm chủng khác nhau, ở các lứa tuổi như: Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn… Vaccine tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu thường được tích hợp dưới dạng vaccine 3 trong 1, 5 trong 1 hoặc 6 trong 1. Lịch tiêm phòng bệnh bạch hầu bắt đầu từ khi trẻ được 6 tuần tuổi theo lịch Tiêm chủng của Bộ Y tế ban hành.
Cụ thể các mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu hiện nay đang áp dụng như sau:
Đối với chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm:
- Vaccine 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B (DPT-VGB-Hib); tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi.
- Vaccine bạch hầu-ho gà -uốn ván tiêm khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vaccine bạch hầu – uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh chứ không tiêm phổ cập.
Đối với chương trình vaccine dịch vụ gồm:
- Vaccine 6 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib - viêm gan B) hoặc vaccine 5 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - Hib - bại liệt) được tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16-18 tháng tuổi.
- Vaccine 4 trong 1 (phòng bệnh bạch hầu- ho gà -uốn ván - bại liệt) tiêm khi trẻ 4-6 tuổi.
- Vaccine phòng bệnh bạch hầu -ho gà -uốn ván được tiêm cho trẻ trên 4 tuổi và người lớn; mũi tiêm này thường được khuyến cáo tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, vaccine bạch hầu là một trong những vaccine cơ bản và được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ hơn 30 năm qua. Vaccine an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh. Nhờ triển khai vaccine mà bệnh bạch hầu đã được khống chế, tỷ lệ mắc bệnh giảm 410 lần, hàng trăm nghìn trẻ em được cứu sống.
Tuy nhiên, theo TS Huyền, miễn dịch do vaccine bạch hầu sinh ra chỉ tồn tại trong thời gian nhất định và giảm dần theo thời gian. Khi trẻ lớn lên, mức kháng thể ở mức rất thấp hoặc không còn tồn tại để bảo vệ trước tác nhân gây bệnh. “Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các quốc gia nên triển khai lịch tiêm chủng 6 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu, trong đó 3 liều tiêm khi dưới 1 tuổi, mũi 4 tiêm khi 12-23 tháng tiêm mũi 4, mũi 5 tiêm khi 4-7 tuổi và trẻ 9-15 tuổi tiêm mũi 6.
WHO cho biết sử dụng vaccine uốn ván – bạch hầu giảm liều thay thế cho vaccine uốn ván hoặc bạch hầu đơn lẻ để phòng ngừa đồng thời các bệnh này”- TS Huyền cho hay.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, ổ dịch bạch hầu thường chỉ xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tuy nhiên, bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vaccine phòng bệnh và tiếp xúc với mầm bệnh.
Trong giai đoạn tới, vaccine Td sẽ được mở rộng phạm vi trên toàn quốc, duy trì triển khai qua các năm. Đây là vaccine do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang sản xuất, là điều kiện thuận lợi cho đảm bảo nguồn cung ứng đáp ứng nhu cầu triển khai trong tiêm chủng thường xuyên.
“Song song với triển khai tiêm nhắc vaccine Td, để phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả cần triển khai đồng bộ với phát hiện sớm và quản lý bệnh nhân. Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nếu có dấu hiệu ho, xuất hiện giả mạc hai bên hoặc mặt sau vùng hầu họng, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời hạn chế biến chứng và tử vong. Các trường hợp tiếp xúc cần được cách ly và uống kháng sinh dự phòng”- TS Đặng Thị Thanh Huyền khuyến cáo.
TS Đặng Thị Thanh Huyền cũng nêu rõ, tất cả các đối tượng không có hoặc không còn miễn dịch đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, các phụ huynh có con nhỏ cần lưu ý đưa trẻ dưới 2 đi tiêm chủng và hoàn thành lịch tiêm 3 mũi vaccine chứa thành phần bạch hầu lúc 2,3,4 tháng tuổi và tiêm mũi 4 khi 18 tháng tuổi. Tại các địa phương nguy cơ cao, cần cho trẻ tham gia tiêm chủng bổ sung theo thông báo của từng địa phương. Tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi là bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong điều kiện căn bệnh này chưa được loại trừ./.
Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo người dân cần tiêm đủ 5 mũi phòng bệnh bạch hầu để đảm bảo hiệu quả miễn dịch, thậm chí nhiều quốc gia còn khuyến cáo tiêm 6 mũi, một số quốc gia cứ 10 năm lại tiêm nhắc lại 1 mũi để đảm bảo phòng bệnh. Việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn (giai đoạn 7 tuổi) cũng như tiêm vaccine cho người lớn là rất quan trọng; cần cho người dân hiểu việc đi tiêm vaccine là những biện pháp đảm bảo đầy đủ để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới. Lịch tiêm mũi vaccine phòng bệnh bạch hầu được khuyến cáo như sau: - Dưới 1 tuổi tiêm 3 mũi đầu - 18-24 tháng nhắc lại mũi thứ 4 - 7 tuổi nhắc lại mũi thứ 5 - Mũi thứ 6 khuyến cáo tiêm cho người từ 9-15 tuổi, trước khi bước vào độ tuổi sinh đẻ. |
Minh Khánh/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận