Nghiên cứu: 'Miễn dịch lai' giúp chống lại COVID-19 tốt nhất
Theo hai nghiên cứu mới được công bố ngày 1/4, những người có "miễn dịch lai" nhờ được tiêm chủng đầy đủ và từng mắc COVID-19 có khả năng bảo vệ chống lại virus SARS-CoV-2 mạnh nhất.
Sau hai năm xảy ra đại dịch khiến gần 500 triệu người mắc bệnh và hàng tỷ người được tiêm chủng, các nghiên cứu mới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng đối với những người có khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi khỏi bệnh COVID-19.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa về bệnh truyền nhiễm The Lancet đã phân tích dữ liệu y tế của hơn 200.000 người vào năm 2020 và 2021 ở Brazil - quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 nhiều thứ hai thế giới.
Kết quả nghiên cứu này cho thấy, đối với những người đã từng mắc COVID-19, vaccine Pfizer và AstraZeneca mang lại 90% hiệu quả ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong. Trong khi đó, vaccine Sinovac của Trung Quốc và vaccine Johnson & Johnson có hiệu quả lần lượt là 81% và 58%.
Ông Julio Croda, tác giả nghiên cứu thuộc Đại học Liên bang Mato Grosso do Sul, cho biết: “Tất cả 4 loại vaccine này đã được chứng minh là cung cấp thêm khả năng bảo vệ bổ sung đáng kể cho những người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.
Theo ông Pramod Kumar Garg từ Viện Khoa học và Công nghệ Sức khỏe của Ấn Độ, miễn dịch lai do tiếp xúc với nhiễm bệnh tự nhiên và tiêm chủng có thể là tiêu chuẩn trên toàn cầu và có thể bảo vệ lâu dài ngay cả khi chống lại các biến thể mới.
Trong khi đó, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu toàn quốc của Thụy Điển tính đến tháng 10/2021 cho thấy những người đã hồi phục COVID-19 vẫn giữ được mức độ bảo vệ chống tái nhiễm cao trong tối đa 20 tháng. Những người có “miễn dịch lai” có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 66% so với những người chỉ có miễn dịch tự nhiên.
Giáo sư Paul Hunter tại Đại học East Anglia (Anh), người không tham gia nghiên cứu, chia sẻ với hãng tin AFP rằng khả năng bảo vệ 20 tháng từ miễn dịch tự nhiên tốt hơn nhiều so với những gì chúng tôi mong đợi. Tuy nhiên, ông cảnh báo cả hai nghiên cứu đã được hoàn thành trước khi biến thể Omicron thống trị trên toàn thế giới và nó đã “làm giảm đáng kể giá trị bảo vệ của việc lây nhiễm bệnh trước đó”.
Ngoài ra, một nghiên cứu ở Qatar, được đăng tải trên trang medRxiv vào tuần trước và chưa được đánh giá ngang hàng, đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về khả năng bảo vệ do “miễn dịch lai” trong ngăn ngừa chủng Omicron. Theo nghiên cứu này, 3 liều vaccine có hiệu quả 52% chống lại nhiễm bệnh có triệu chứng của dòng phụ BA.2 (Omicron), nhưng mức độ hiệu quả đã tăng lên 77% khi người tiêm từng mắc COVID-19. “Miễn dịch lai” nhờ mắc COVID-19 trước đó và tiêm mũi vaccine tăng cường mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại cả hai biến thể phụ Omicron BA.1 và BA.2./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận