Ngành Y và những gian truân chưa nói phía sau một công việc vinh quang
Phía sau vinh quang nghề Y là nhiều gian nan chưa được thổ lộ: những ca mổ hàng giờ, lịch trực đêm hay áp lực tinh thần căng thẳng.
Những ngày gần đây, câu chuyện về sự hy sinh của các bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, khi họ chia xa gia đình lên đường làm nhiệm vụ, khi họ mệt nhoài nằm ngủ dưới sàn nhà hay khi tháo lớp khẩu trang bảo hộ lộ ra những đường hằn trên khuôn mặt được truyền đi nhanh chóng.
Người ta thấy thấm thía hơn bao giờ hết sự hy sinh của người làm ngành Y. Nhưng có một điều ít ai biết rằng, thực ra, những hy sinh tương tự như vậy vẫn đang diễn ra mỗi ngày.
Dù bối cảnh xã hội có thay đổi như thế nào thì vẫn sẽ luôn tồn tại chân lý: cứu người là nhiệm vụ vinh quang. Bởi vậy mà người làm ngành Y vẫn luôn được xã hội trân trọng. Nếu từng chứng kiến không khí dồn dập, khẩn trương ở phòng cấp cứu; ai cũng sẽ đồng ý rằng việc đối đầu với bệnh tật cũng cam go như một cuộc chiến và y bác sĩ, người anh hùng thầm lặng, phải tận dụng từng phút từng giây dành giật bệnh nhân từ cửa Tử trở về. Trong suốt thời gian hành nghề, một người bác sĩ đã đem lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân, giúp rất nhiều gia đình được hưởng niềm vui đoàn tụ. Tuy nhiên, phía sau ánh hào quang có biết bao gian truân, vất vả mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Bác sĩ thường phải bớt đi thời gian riêng vốn dành cho bản thân hoặc ở bên gia đình. Không lúc nào người bệnh không cần bác sĩ, và cũng không có ca cấp cứu nào có thể chờ đợi. Đó là bề nổi mà ai cũng biết, nhưng phần chìm mà ít khi ta nhìn ra chính là bác sĩ cũng vì thế mà hiếm khi có ngày nghỉ, ngày Lễ trọn vẹn. Đôi khi bữa cơm người nhà vừa nấu, chưa kịp ăn đã vội bỏ dở để lên viện. Người ta thấy bác sĩ xông xáo, nhiệt tình khi chữa bệnh, điềm tĩnh khi chẩn đoán chứ đâu có cơ hội nhìn họ ngủ tạm trên ghế sau ca mổ dài 5 - 7 tiếng.
Lấy y đức làm đầu, sức khỏe bệnh nhân làm trọng nên bác sĩ thường đặt việc trị bệnh cứu người lên trên bản thân. Người bác sĩ giỏi cứu chữa thành công nhiều người bệnh nhưng lại thiếu ngủ vì miệt mài với ca trực đêm, thức khuya đọc tài liệu; hay thể lực giảm sút vì bỏ bữa hay ăn uống qua loa. Một năm trước, cũng vào dịp kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, một cô gái đăng tải hình ảnh người mẹ của mình, một bác sĩ sản khoa, nằm truyền nước trên sàn nhà sau ca mổ. Bức ảnh đã thu hút lượng lớn quan tâm cũng như bình luận cảm thông từ cộng đồng. Nếu không có những phút giây “sau hậu trường” thực tế như vậy, thật khó để hiểu những khó khăn mà người thầy thuốc nếm trải.
Có chồng công tác trong ngành Y, một người đồng nghiệp từng chia sẻ với chúng tôi rằng nhiều lúc chị lo cho sức khỏe của anh mà không dám nói vì biết việc của chồng vốn đã nhiều căng thẳng. Chị chỉ có thể chăm lo gia đình thật tốt, nấu bữa cơm đủ đầy, pha ly sữa ấm bồi bổ để anh có sức khỏe, tăng sức đề kháng yên tâm chữa trị cho bệnh nhân. Chị bộc bạch: “Có đợt tự dưng chồng mình đau mắt đỏ từ trên viện rồi về lây cho cả nhà, vừa giận vừa thương. Sau những lần như vậy mình cũng dần để tâm chăm sóc anh ấy tỉ mỉ hơn, biết cái nghề của chồng vậy rồi. Vợ chồng hôm nào không ăn được bữa cơm thì bắt phải uống cốc sữa rồi mới cho đi không lại sợ anh bỏ bữa. Đồ ăn đồ uống cũng chọn loại nào dễ ăn nhanh gọn và đủ chất”.
Hướng tới ngày Thầy thuốc Việt Nam, có lẽ món quà đáng quý nhất chính là sự thấu hiểu, cảm thông từ cộng đồng cũng như những quan tâm mà chúng ta dành cho sức khỏe của các y bác sĩ. Bởi họ chính là tuyến đầu, cũng là phòng tuyến vững chắc nhất trong cuộc chiến chống dịch viêm phổi cấp Covid-19 nói riêng và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng nói chung.
Một lời nhắn nhủ gửi tới các y bác sĩ, chính là bên cạnh việc chăm sóc bệnh nhân hãy chú trọng sức khỏe của bản thân mình. Dành cho mình vài phút thư giãn sau giờ làm việc căng thẳng, trân trọng bữa ăn, giấc ngủ vì hơn hết các anh chị hiểu giá trị của dinh dưỡng, nghỉ ngơi và rèn luyện thể lực quan trọng với sức khỏe như thế nào. Dù y bác sĩ bận rộn tới mấy, gia đình, người thân và chính các bệnh nhân đều mong bác sĩ có thể cố gắng ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Đó là tiền đề giúp họ vững bước trên hành trình bảo vệ sức khỏe cho cả cộng đồng./.
Huyền Linh( nguồn Báo VOV)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận