Kỹ thuật nhân văn cứu những thai nhi chưa may mắn
Kỹ thuật can thiệp trong buồng tử cung (chữa bệnh cho thai nhi) nhằm khắc phục những bệnh lý, bất thường của bào thai khi đã biết rõ những bệnh lý, bất thường này không thể chờ đợi đến khi trẻ chào đời, nếu tiếp tục chờ đợi, thai nhi sẽ tử vong trong tử cung hoặc chào đời với những dị tật, bất thường nặng hơn.
Đây là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa hiện nay. Vừa qua, bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước đã thực hiện thành công can thiệp trong buồng ối đối với hai sản phụ cùng mang song thai chung bánh rau cực kỳ phức tạp.
Để tìm hiểu thêm những bệnh lý nào có thể can thiệp được trong bào thai, khi nào có thể can thiệp và tỷ lệ thành công can thiệp đến đâu… phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Thưa ông, xuất phát từ đâu mà bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã mạnh dạn đi đầu cả nước thực hiện kỹ thuật cao nhất về sản khoa hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Đây là kỹ thuật cao nhất về sản khoa hiện nay trên thế giới. Kỹ thuật này cũng có ý nghĩa rất nhân văn. Trước đây, nếu không thực hiện kỹ thuật này thì những thai nhi không may mắn bị dị tật hoặc bất thường trong bụng mẹ có thể bị chết dần hoặc chào đời với những dị tật, bất thường nặng nề. Còn hiện tại, với kỹ thuật khoa học hiện đại, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật hoặc tử vong.
Chính vì ý nghĩa nhân văn này, bệnh viện đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cử bác sĩ đi học, tiếp cận những kiến thức mới để cứu sống những thai nhi không may mắc dị tật hoặc bất thường khi còn trong bụng mẹ. Vì những dị tật, bất thường này nếu chờ đến khi trẻ chào đời thì không thể can thiệp được nữa. Đặc biệt, những trường hợp này lại thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Những kỹ thuật này trên thế giới đang triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Những kỹ thuật này hiện nay đang được triển khai ở những nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ , Bỉ, Phần Lan, Singapore, Hongkong… Kỹ thuật này mới có trên thế giới 15 năm nay. Anh là quốc gia triển khai đầu tiên kỹ thuật này.
Trước khi triển khai thực hiện kỹ thuật này, bệnh viện có lường trước những khó khăn gì, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Rõ ràng khi tiếp cận kỹ thuật mới, không ai có thể lường hết được những khó khăn. Tuy nhiên, trước khi triển khai kỹ thuật này, bệnh viện cũng đã lường trước một số khó khăn nhất như: Tư vấn cho sản phụ, gia đình sản phụ về việc chấp nhận tỷ lệ thất bại vì không phải ca nào cũng thành công 100%. Tỷ lệ thất bại có thể xảy ra ngay trong quá thực hiện can thiệp trong buồng ối hoặc có nguy cơ sảy thai hoặc đẻ non.
Một khó khăn nữa, là sau khi can thiệp, có những dị tật chỉ có thể can thiệp để đạt tới một thành công nhất định, chứ không thể chữa khỏi hoàn toàn, chẳng hạn như can thiệp để giảm tối đa những dị tật, bất thường của thai nhi.
Về nhân lực và điều kiện trang thiết bị, bệnh viện có thể hoàn toàn thực hiện được và đã chuẩn bị rất kỹ từ khâu đào tạo, cử bác sĩ đi học nước ngoài đến việc làm nhà mổ tiêu chuẩn hiện đại để thực hiện, tuy nhiên, chúng tôi cũng không chủ quan vì có những bất thường trong quá trình thực hiện không thể nói trước.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Trên thế giới hiện nay, tất cả những dị tật, bất thường cần phải được can thiệp nếu gây nguy cơ tử vong cho thai nhi hoặc chào đời không lành lặn. Tuy nhiên, những dị tật như thừa ngón chân, ngón tay… thì không cần phải can thiệp kỹ thuật này.
Những yêu cầu đầu tiên khi thực hiện kỹ thuật này đối với sản phụ và thai nhi, trước tiên đó là dị tật hoặc bất thường này hoàn toàn có thể can thiệp được. Ví dụ dây sơ quấn chặt cổ tay hoặc cổ chân của thai nhi, khiến cổ chân hoặc cổ tay bị teo dần, chỉ cần can thiệp trong bụng mẹ cắt dây sơ đó thì chân hoặc tay thai nhi sẽ hồng hào trở lại. Trước đây, những trường hợp như này rất khó xử lý hoặc có gia đình ra nước ngoài để can thiệp. Hoặc ví dụ trường hợp thoát vị cơ hoành thì ruột, gan thai nhi chèn vào phổi làm teo phổi, trường hợp này cũng phải can thiệp làm thủ thuật để đẩy cơ đó xuống, nếu đợi đến khi chào đời thì phổi sẽ bị teo hết, không thể cứu chữa được…
Yêu cầu thứ 2 là dị tật này nếu không can thiệp thì thai nhi sẽ chết trong bụng hoặc dị tật nặng nề sau sinh. Thứ 3 là sau khi can thiệp, kết quả thành công phải cao, tức là đứa trẻ có thể phát triển bình thường. Và thứ 4 là cơ sở y tế phải có đủ điều kiện nguồn lực và con người để thực hiện kỹ thuật này.
Hiện nay, bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang triển khai thực hiện 2 kỹ thuật mà có tỷ lệ thai nhi mắc nhiều nhất nhưng tỷ lệ thành công khi can thiệp lại cao nhất, đó là hội chứng song thai truyền máu cho nhau và dây sơ buồng ối.
Trong tương lai gần, bệnh viện tiến tới sẽ thực hiện các bệnh lý khác nhằm giúp thai nhi không may mắc các bệnh lý vẫn có thể phát triển tốt trong tử cung của người mẹ và chờ đến ngày chào đời.
Các bệnh lý như thoát vị cơ hoành, ứ dịch màng phổi, ứ dịch thận, bệnh lý ở buồng tim và thoát vị não… là những bệnh mà nền y học hiện tại đã có thể xử lý được.
Thưa ông, để thực hiện kỹ thuật này thành công, một trong những yếu tố quan trọng là khâu khám sàng lọc để phát hiện dị tật, bất thường của thai nhi để có thể can thiệp kịp thời. Ông có nhận định gì về vấn đề khám sàng lọc ở nước ta hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh: Đúng là khâu khám sàng lọc rất quan trọng. Nếu để các dị tật, bất thường muộn quá thì không thể can thiệp được. Trước khi thực hiện can thiệp, các bác sĩ phải khám kỹ để nhận định dị tật, bất thường này có làm được không, nếu làm được thì tỷ lệ thành công là bao nhiêu, phải tư vấn trước với người nhà bệnh nhân.
Một vấn đề nữa là khâu khám sàng lọc từ các tuyến, các cơ sở y tế có chuyên khoa sản, các dị tật, bất thường của thai nhi hoàn toàn có thể phát hiện sớm ở các cơ sở này nếu sản phụ được khám sàng lọc kỹ và được đánh giá đúng giai đoạn bệnh.
Hai kỹ thuật mà bệnh viện Phụ sản Hà Nội đang triển khai là hội chứng song thai truyền máu cho nhau và dây sơ buồng ối, đều nằm trong Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử can thiệp trong buồng ối do bệnh viện Phụ sản Hà Nội chủ nhiệm. Đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tháng 6/2018 nhằm tăng cơ hội được cứu sống, điều trị cho các thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
Dự kiến, đến năm 2021, sau khi Đề tài được hoàn tất, đây sẽ là cơ sở khoa học để Bộ Y tế ban hành danh mục các kỹ thuật, khi đó, các cơ sở sản khoa khác nếu có đủ điều kiện đều thực hiện được kỹ thuật này.
Ngay tuần sau, bệnh viện cũng sẽ triển khai độc lập can thiệp tiếp 2 ca bằng kỹ thuật này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Hà (thực hiện)
( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận