Không nên lạm dụng bổ sung men tiêu hóa cho trẻ
Do thói quen và chưa có đầy đủ kiến thức, nhiều bà mẹ đã lạm dụng men tiêu hóa khi thấy con bị ốm hay rối loạn đường ruột. Vậy khi nào nên cho các bé uống men tiêu hóa? Sử dụng các sản phẩm này cần tuân thủ những nguyên tắc gì?
Các bé nhà chị Lê Thu Hoa ở quận Đống Đa - Hà Nội không ít lần làm cho mẹ lo lắng khi các bé bị sốt và đi ngoài. Mẹ muốn cho con ăn lại lo ruột chưa ổn định. Chính vì vậy, men tiêu hóa là thứ không bao giờ thiếu trong tủ thuốc gia đình: “Chắc chắn phải dùng men tiêu hóa để hệ vi sinh đường ruột được cân bằng, thấy lần nào kê kháng sinh bác sĩ cũng phải kê thêm men. Có các men tiêu hóa, con ăn ngon hơn, đường ruột cũng tốt hơn”. Mỗi khi con ốm, sốt chị Hoa lại cho uống men tiêu hóa kèm thuốc kháng sinh, thậm chí có thể thay đổi các loại men tiêu hóa theo kinh nghiệm truyền miệng của các bà mẹ "bỉm sữa".
Ai có kinh nghiệm thì truyền cho người chưa biết, cứ thế mẹ nào cũng cho con thử dùng men tiêu hóa khi gặp các vấn đề về đường ruột với mong muốn, tiêu hóa của con sẽ tốt hơn, sức đề kháng cũng vì thế được tăng lên. Tuy nhiên, theo GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Y học dự phòng và y tế công cộng - Đại học Y Hà Nội, không phải bé nào cũng có thể bổ sung men tiêu hóa. GS Hương cho biết, các mẹ chỉ nên bổ sung men tiêu hóa khi con có những dấu hiệu sau: “Các bé ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu, thường hay có rối loạn tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy, phân không bình thường như những trẻ khác, không có cảm giác thèm ăn, không muốn ăn, lúc nào cũng cảm giác như không thấy đói”. Vì các bé không muốn ăn nên lượng thực phẩm nạp vào cơ thể ít, nếu trong trường hợp trẻ lười ăn rau quả thì các enzym trong thực phẩm cũng bị hạn chế, dẫn đến lượng vitamin và khoáng chất không đủ, vì thế phụ huynh có thể tăng cường một đợt men tiêu hóa cho con
Men tiêu hóa (hay còn gọi là enzym) do cơ thể (chủ yếu từ ống và tuyến tiêu hóa) tiết ra để tiêu hóa thức ăn, nó có nhiệm vụ cắt nhỏ thức ăn thành những phần tử nhỏ để được hấp thu vào máu. Có một số men tiêu hóa quan trọng như: Men amylase của tuyến nước bọt có tác dụng phân giải tinh bột đã nấu chín. Acid clohydric (HCl) và các men pepsin, lipase của dạ dày. Các sản phẩm này có tác dụng làm mềm thức ăn, phân cắt các sợi collagen, phân cắt chất đạm thành những chuỗi polypeptid ngắn, tuy nhiên, men pepsin của dạ dày chỉ có tác dụng tiêu hóa được 10-20% chất đạm của thức ăn. Còn men lipase của dạ dày có tác dụng rất yếu, chỉ tiêu hóa được dạng chất béo đã được nhũ tương hóa (chất béo của sữa, trứng). Các men của dịch tụy là quan trọng nhất bao gồm: men amylase có tác dụng tiêu hóa tinh bột mạnh hơn nhiều lần so với men amylase của nước bọt; Men tiêu hóa chất đạm của tụy bao gồm: trypsin, chymotrypsin, carboxypolypeptidase, dưới tác dụng của chúng, chất đạm sẽ được phân giải thành các đoạn acid amin đơn giản hơn; Men tiêu hóa mỡ của tụy là các men lipase (sau khi mỡ được nhũ tương hóa nhờ muối mật), dưới tác dụng của nó, phần lớn mỡ của thức ăn sẽ được tiêu hóa. Gan bài tiết ra acid mật và muối mật, đóng vai trò quan trọng trong việc hòa tan các chất mỡ, tạo điều kiện cho các men lipase tiêu hóa mỡ hoạt động.
Để bổ sung men tiêu hóa một cách hợp lý, nhất thiết phải được bác sĩ tư vấn đầy đủ. GS.TS Lê Thị Hương nhấn mạnh, cách tốt nhất mang lại sức khỏe đường tiêu hóa cho trẻ là thông qua thực phẩm: “Thực phẩm tươi sống đều có các men vi sinh tươi sống cần thiết trong thịt cá, trứng, sữa, trong rau, củ, quả. Lưu ý là cho trẻ ăn đa dạng, chế biến đúng cách để giữ các chất và vitamin cần thiết cho cơ thể, nếu đun ở nhiệt độ cao sẽ mất các chất có lợi, tốt cho đường tiêu hóa và sức khỏe của bé”. Vì thế, để tăng cường sức khỏe đường ruột cho các bé, bên cạnh việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp, đa dạng, các bậc phụ huynh cũng cần chế biến đúng cách.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận