Hiểm họa rình rập từ chính vật dụng mà nhà nào cũng có
Dù đang ngày càng trở nên thông dụng trong các gia đình, song những sản phẩm từ nhựa cũng chính là mối nguy cơ rình rập đối với sức khỏe khi chúng ta ăn, hít thở các vi hạt nhựa trong một thời gian dài.
Nhựa có mặt ở khắp mọi nơi trong nhà từ lớp phủ của một số chảo chống dính, trong mỹ phẩm, quần áo đến đồ chơi trẻ em,... và những loại nhựa này đang dần đầu độc chúng ta. Chúng ta ăn và hít thở các vi hạt nhựa trong suốt cuộc đời.
Nhựa làm ô nhiễm không khí chúng ta hít thở. Dù có thể tái chế, đốt hoặc chôn dưới đáy các bãi rác, song nhựa không bao giờ thực sự biến mất. Mỗi mảnh nhựa được tạo ra trong một thế kỷ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, dưới dạng này hay dạng khác. Mỗi phút, tương đương với một xe rác đầy rác thải nhựa đổ ra các đại dương.
Theo thời gian, những mảnh nhựa này phân hủy thành hàng tỷ hạt cực nhỏ gây ô nhiễm chuỗi thức ăn và kết thúc trên bàn ăn khi chúng ta ăn cá và hải sản. Những mảnh nhựa chứa đầy chất ô nhiễm này cũng có thể xâm nhập vào phổi. Trong các sản phẩm làm từ nhựa kém chất lượng còn có chứa chất BPA - là nguyên nhân gây ung thư ở người, tác động tới não bộ làm trì trệ sự phát triển hệ thần kinh trung ương. Đây cũng một trong những thủ phạm gây bệnh viêm gan, rối loạn nội tiết tố và vô sinh. Vậy làm thế nào để hạn chế những tác hại của nhựa đối với sức khỏe, các chuyên gia đã đưa ra một số lời khuyên:
Nên sử dụng ngay những thực phẩm đóng gói
Chúng ta nên biết rằng, một số hợp chất nhất định có trong bao bì bằng nhựa và bìa cứng có thể xâm nhập vào thực phẩm, đặc biệt là khi thực phẩm có chất béo, chứa nhiều dầu mỡ. Vì thế các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên ưu tiên những sản phẩm thô chưa đóng gói. Nếu buộc phải sử dụng, thì nên tiêu thụ chúng nhanh chóng. Bởi thời gian bảo quản càng lâu, nguy cơ các chất độc hại xâm nhập vào thực phẩm càng lớn.
Thức ăn không nên được hâm nóng trong hộp nhựa
Ngay cả khi trên nhãn ghi là có thể, thì các chuyên gia vẫn khuyến cáo bạn không nên hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa. Bởi vì nhiệt thúc đẩy quá trình di chuyển một số chất độc hại vào thực phẩm. Tiến sĩ Laurent Chevallier, chuyên gia dinh dưỡng thuộc CHU de Montpellier nêu ví dụ, sữa chua đựng trong một lọ nhựa không gây ra quá nhiều vấn đề vì thời gian tiếp xúc giữa thực phẩm và hộp đựng ngắn, hơn nữa lại được bảo quản ở nhiệt độ lạnh. Tuy nhiên, khi chúng ta hâm nóng sữa chua, hành động này sẽ thúc đẩy sự di chuyển của các hợp chất nhựa. Tương tự như vậy, chai nhựa (nước, nước trái cây) không nên để gần nguồn nhiệt (ánh nắng mặt trời, lò sưởi, bếp). Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên lựa chọn các hộp đựng bằng thủy tinh./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận