Hai bệnh viện cứu du khách Nhật Bản bị biến chứng tim mạch hiểm nghèo
Bệnh viện Việt Pháp và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa hội chẩn và cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nam, 67 tuổi, người Nhật Bản bị lóc động mạch chủ loại A, thể rất phức tạp.
Rất may mắn, tới nay, tri giác của bệnh nhân đã cải thiện – có thể nhận biết người thân, chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt và đã được ngừng thở máy hỗ trợ, rút ống nội khí quản.
Trước đó, trên đường đi thăm quan Hà Nội, bệnh nhân đột ngột bị mất ý thức và hôn mê, nên đã được chuyển đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Pháp với chẩn đoán ban đầu nghi là tai biến mạch não. Nhưng trên phim chụp cắt lớp vi tính sọ não và hệ mạch máu vùng nền cổ cho thấy có hình ảnh nghi lóc động mạch chủ. Đặc biệt, thăm khám hệ mạch ngoại vi thấy không bắt được mạch và thiếu máu rõ ở tay và chân phải. Do xác định là biến cố tim mạch phức tạp, nên ngay lập tức, các bác sĩ trực của bệnh viện Việt Pháp đã hội chẩn gấp trực tuyến với PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, bênh viện Hữu nghị Việt Đức.
Theo đó, bệnh nhân được chẩn đoán là lóc động mạch chủ loại A thể phức tạp (lóc lên mạch máu nuôi não và tay phải, lóc vào mạch nuôi chân phải gây thiếu máu chi rất nặng), suy hô hấp phải thở máy, suy tuần hoàn khá nặng phải dùng thuốc trợ tim liều cao, với nguy cơ chắc chắn tử vong ngay nếu không được phẫu thuật kịp thời. Tuy có rủi ro rất cao đối với trường hợp này, song phẫu thuật có thể mang lại vài phần trăm cơ may sống sót cho bệnh nhân. Do là phẫu thuật chuyên khoa tim mạch rất phức tạp, nên bệnh viện Việt Pháp đã chuyển cấp cứu bệnh nhân tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để điều trị.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, toàn bộ công tác cấp cứu, hồi sức, xét nghiệm và sớm phẫu thuật tim hở được triển khai nhanh chóng để cứu bệnh nhân, kể cả các thủ tục pháp lý cần thiết như: điện thoại đồng ý phẫu thuật của vợ bệnh nhân gọi từ Nhật Bản, sự chấp thuận của công ty du lịch Việt Nam và Nhật Bản, thông báo cho sứ quán Nhật Bản… Do vậy, chỉ sau 2 giờ đã hoàn thiện đầy đủ các thăm dò tối thiểu nhất để chuyển bệnh nhân sang phòng mổ cấp cứu.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Tú, một thành viên chính của kíp mổ cho biết, với kinh nghiệm hơn 200 ca mổ cấp cứu lóc động mạch chủ loại A trong gần 10 năm, thì chưa có trường hợp nào lại diễn biến nặng và phức tạp như bệnh nhân này. Quá trình phẫu thuật diễn ra hết sức cam go, căng thẳng, kéo dài hơn 10 giờ, với hầu hết các kĩ thuật khó và phức tạp nhất của phẫu thuật tim hở, như: hạ thân nhiệt sâu (xuống 24oC), ngừng tuần hoàn tạm thời nửa người dưới, cấp máu não chọn lọc cả hai bên, sửa van động mạch chủ, thay đoạn động mạch chủ lên bằng mạch nhân tạo, tưới máu chi chọn lọc rồi lấy huyết khối động mạch và mở cân cho chân phải để cố bảo tồn chi.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Ước, trưởng kíp mổ cho biết, sau quá trình nỗ lực phẫu thuật rất phức tạp và hồi sức sau mổ rất nặng nề với nhiều phương tiện hồi sức hiện đại, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện dần qua từng ngày.
Tới nay tri giác của bệnh nhân đã cải thiện – có thể nhận biết người thân, chức năng thận đã phục hồi, chân phải được bảo tồn với chức năng cải thiện tốt và đã được ngừng thở máy hỗ trợ, rút ống nội khí quản.
Gia đình bệnh nhân đã từ Nhật Bản rất xúc động, cảm ơn, khâm phục các thầy thuốc Việt Nam đã cố gắng cứu sống người thân của họ dù mắc bệnh rất hiểm nghèo. Nếu không có các biến chứng nhiễm trùng hoặc suy tạng khác, thì bệnh nhân có thể được ra viện trong 2-3 tuần nữa.
Thành công này tiếp tục khẳng định năng lực hệ thống y tế chuyên sâu của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc phát triển kinh tế và du lịch, với số lượng du khách quốc tế tăng rất nhanh trong những năm qua, trong đó có rất nhiều du khách tiềm ẩn nguy cơ biến cố tim mạch.
Hiền Minh (Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận