Giành giật sự sống cho sản phụ bị sốc phản vệ nguy kịch
Các y bác sỹ của bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ vừa cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ vô cùng hy hữu, nguy kịch và hiếm gặp.

Cụ thể, khoảng 16h45 ngày 2/9, khi các bác sỹ đang bàn giao bệnh nhân cho kíp trực buổi tối thì đội cấp cứu ngoại viện thông báo, tại địa bàn xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, bệnh nhân Vũ Thị Kim Huệ đang mang thai tuần thứ 36 bị ong đốt.
Khi nhân viên y tế tiếp cận được thì bệnh nhân trong trạng thái mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, khó thở, tức ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt, vật vã kích thích, nghe phổi có tiếng thở rít do phù nề thanh môn cấp và bắt đầu rối loạn ý thức, bệnh nhân đang ở giai đoạn tiền hôn mê.
Tại hiện trường, các bác sỹ xác định bệnh nhân đã rơi vào tình trạng sốc phản vệ rất nặng do ong đốt. Theo đúng phác đồ của Bộ y tế, bệnh nhân được tiêm ½ ống Adrenalin và trong suốt thời gian vận chuyển khoảng 15km liều Adrenalin được nhắc lại sau mỗi 5 phút/lần.
Tuy nhiên tình trạng phản vệ vẫn tiếp tục có chiều hướng xấu. Xác định đây là trường hợp sốc phản vệ đặc biệt nghiêm trọng và rất khó xử trí vì bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 36, mỗi mũi tiêm chống sốc cho mẹ lại là điều bất lợi cho thai nhi.
Ngay sau khi nhận được thông tin, xác định bệnh nhân có thể phải mổ cấp cứu để cứu mẹ và con. Ban Giám đốc BV đã “báo động đỏ” trong toàn bệnh viện, kíp cấp cứu với đầy đủ các chuyên khoa có mặt tại phòng cấp cứu.

Khoảng 17 giờ 5 phút cùng ngày, bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng đã hôn mê, mạch nhanh, huyết áp tụt... có lúc không đo được.
Do tác dụng của các thuốc cấp cứu đối với mẹ, thai nhi cũng đã rơi vào tình trạng xấu, mạch nhanh và diễn biến theo chiều hướng suy thai. Trước tình trạng hết sức nguy cấp, các bác sỹ đã hội ý khẩn trương và đưa ra kết luận, phải mổ lấy thai càng nhanh càng tốt, đây là biện pháp duy nhất để có thể cứu cả sản phụ và thai nhi.
Mặc dù chưa hết bàng hoàng vì những diễn biến quá nhanh với người thân của mình nhưng mẹ và chồng của sản phụ cũng đã nhanh chóng hiểu, đồng thuận và tôn trọng quyết định của các bác sỹ. Chỉ chưa đầy 10 phút, sau khi thuyết phục mẹ và chồng của bệnh nhân, khi chưa kịp làm bất cứ một xét nghiệm nào, bệnh nhân được đưa vào phòng mổ cấp cứu.
Đúng như dự đoán, thai nhi sau khi được lấy ra khỏi bụng mẹ, niêm mạc nhợt nhạt, da toàn thân tím tái đáp ứng phản xạ yếu, mạch rốn chậm (dưới 80l/p), nhịp tim chậm, chỉ số Apgar 0-3/1p, sau 15 phút hồi sức tích cực sơ sinh đáp ứng tương đối tốt, chỉ số Apgar dần được cải thiện. Bé được lưu tại buồng hồi sức sơ sinh dưới sự giám sát đặc biệt của các bác sỹ, nữ hộ sinh và điều dưỡng của liên khoa phụ sản và sơ sinh.

Trong phòng mổ, sau khi lấy thai, các bác sỹ đã hồi sức tích cực, các thuốc điều trị sốc phản vệ đã được sử dụng với liều tối đa, các chỉ số sinh tồn của sản phụ dần được cải thiện, tình trạng phản vệ và sốc đã được kiểm soát. Tuy nhiên đây là lần mổ lấy thai lần hai và trên nền bệnh nhân sốc, tình trạng co hồi tử cung chậm, nguy cơ đờ tử cung rất cao, trong nhiều phút sau khi lấy thai các bác sỹ gây mê hồi sức và phẫu thuật viên đã áp dụng tất cả những biện pháp tích cực nhất có thể nhưng tình trạng chảy máu của bệnh nhân vẫn khó kiểm soát.
Đã có ý kiến đề xuất, để đảm bảo an toàn tính mạng cho sản phụ, cắt tử cung là giải pháp tốt nhất... tuy nhiên, trên bàn mổ sản phụ còn rất trẻ, bé sơ sinh tuy đã tạm thời thoát khỏi giai đoạn nguy kịch nhưng cũng chưa thể kết luận là sẽ an toàn... Vì vậy, các bác sĩ quyết tâm giành lại cuộc sống, giành lại hạnh phúc, tương lai cho người bệnh.
Và may mắn, khi bên buồng hồi sức, trẻ sơ sinh cất những tiếng khóc đầu tiên cũng là lúc tình trạng chảy máu của sản phụ được kiểm soát, đường khâu cuối cùng được kết thúc lúc 19 giờ 5 phút. Sau phẫu thuật gần 24 giờ, mẹ và con đã được gặp nhau.
Văn Học ( nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận