Đã có thể xem Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường?
Tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng lớn, hệ thống y tế bắt đầu thích ứng với mô hình dịch bệnh. Vậy đã đến lúc có thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và có thể xem Covid-19 như một bệnh chuyên khoa đặc hữu nào đó hay chưa?
Theo quan điểm của Chính phủ Đan Mạch và suy nghĩ của đại đa số người dân (Đan Mạch có 5,8 triệu dân) thì virus SARS-CoV-2 không còn được coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với xã hội". Số ca nhiễm vẫn cao - rất cao nhưng người Đan Mạch đã sẵn sàng bước tiếp. Ngay cả khi có kết quả dương tính, người mắc không còn có nghĩa vụ pháp lý phải tự cách ly.
Tiếp sau Đan Mạch, Nauy, Thuỵ Điển và nhiều quốc gia châu Âu cũng chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch Covid-19 vào đầu tháng Tư này.
Về lý thuyết, đại dịch có thể coi là đã qua đi khi các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố: Covid-19 không còn được xếp vào mức khẩn cấp toàn cầu. Song đến nay, các tiêu chí để đưa ra quyết định này chưa được xác định chính xác.
Vì thế, thay vì chờ đợi thụ động vào WHO, tại các khu vực có dân chúng tiêm chủng đạt tỷ lệ cao, giới chính khách và một số chuyên gia y tế công cộng đang thúc đẩy cách tiếp cận mới đối với Covid-19: Xem căn bệnh này là một phần của cuộc sống.
Quan điểm của Bộ Y tế Thái Lan là Covid-19 đã lây lan trong hơn hai năm qua. Các xu hướng cho thấy dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng, nhất là với người đã tiêm đủ vaccine.
Giới chức y tế Thái Lan sẽ nỗ lực hành động để đẩy nhanh quá trình tiến tới tuyên bố “Covid-19 là bệnh đặc hữu theo một bộ tiêu chí riêng” thay vì chờ đợi căn bệnh này tự nhiên trở thành bệnh đặc hữu, bởi như vậy có thể tốn nhiều thời gian hơn.
Còn ở Việt Nam, khi nào có thể xếp Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thông thường? Quan điểm này hiện có nhiều ý kiến khác nhau của các chuyên gia trong nước.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng: Đến thời điểm này cần coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa và cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác. Việc này tương tự như khi bạn bị bệnh nào thì sẽ tìm đến chuyên khoa đó để khám và điều trị. Việc thanh toán, chi trả tiền khám, chữa bệnh Covid-19 cũng cần ứng xử như với các bệnh lý khác, nghĩa là có thể do bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám dịch vụ do người dân tự chi trả.
Xác định được tâm thế ấy, chúng ta hoàn toàn có thể bình tĩnh sống với Covid và chủ động mở cửa cho các hoạt động kinh tế - xã hội như trước thời điểm dịch bùng phát.
Đề xuất thay đổi quan điểm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng là ý kiến của BS Trần Văn Phúc ở Bệnh viện Đa khoa Xanh – Pôn. Bác sĩ Phúc cho rằng, nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong cái bẫy mang tên “Đại dịch Covid-19”, khi mà biến thể Omicron đang bắt đầu tấn công ồ ạt, thì chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit test xét nghiệm, khủng hoảng nguồn nhân lực lao động, khủng hoảng về hệ thống y tế với nguy cơ đổ vỡ.
Bác sĩ Trần Văn Phúc cho rằng, Việt Nam cũng đã đến thời điểm coi Covid là bệnh lý đường hô hấp, tương tự như các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên. Có nghĩa là trả Covid về cho tuyến y tế điều trị. Các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập khoa Covid, hoặc ít nhất là đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid, thậm chí có những khoa dành riêng phòng điều trị bệnh nhân Covid-19. Công việc chẩn đoán và điều trị giao cho bác sĩ lâm sàng.
Trong khi đó các chuyên gia về truyền nhiễm lại có những đánh giá thận trọng hơn về thời điểm xem xét Covid-19 là bệnh đặc hữu thông thường.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, chúng ta chưa thể chắc chắn rằng, việc kiểm soát đã thật sự ổn định về tỷ lệ mắc mới. Ông cho rằng, muốn đưa về bệnh đặc hữu là bệnh lưu hành hàng năm thì phải ổn định về số ca mắc nhưng ca mắc Covid-19 hiện vẫn bùng lên và rất thất thường, khó đoán.
Kỳ vọng về miễn dịch cộng đồng ở trong nước ở thời điểm này cũng không thể đạt vì theo PGS.TS Trần Đắc Phu, miễn dịch cộng đồng gồm miễn dịch mắc phải và miễn dịch do tiêm chủng. Nếu so sánh với các nước Tây Âu có quan điểm coi Covid-19 như bệnh đặc hữu sẽ thấy, dù Việt Nam tỷ lệ tiêm chủng tốt nhưng vẫn chưa cao bằng họ. Hơn nữa, các quốc gia này ngoài việc tiêm chủng, họ đã trải qua 3-4 đợt dịch Covid-19 lớn, như vậy tỷ lệ dân số mắc cũng đã rất cao. Trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này còn thấp, nghĩa là miễn dịch cộng đồng chưa cao.
Ngoài ra, ở các quốc gia Tây Âu, chủng Omicron đã xuất hiện, bùng phát một thời gian và hiện đang theo chiều hướng đi xuống, còn Việt Nam chưa đạt được điều đó. Số ca mắc mới, theo nhận định, sẽ tiếp tục tăng trong 1-2 tuần nữa.
PGS.TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cũng cho rằng coi Covid-19 là bệnh lý thông thường ở thời điểm này sẽ có nhiều hệ quả không tốt. Thứ nhất, người dân sẽ chủ quan, xem thường; Thứ hai, khi đã rút Covid-19 ra khỏi nhóm A truyền nhiễm, nếu xuất hiện chủng mới thì rất khó áp dụng các biện pháp kiểm soát từ Nhà nước, ví như yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, không tụ tập đông người nơi công cộng. Thứ ba, nếu coi Covid-19 là bệnh thông thường thì chi phí điều trị sẽ do người bệnh chi trả. Trong tình huống này có người chi trả được nhưng một bộ phận đáng kể sẽ gặp khó khăn, nhất là khi lây nhiễm dịch bệnh ngoài mong muốn nhưng phải chi trả khoản chi phí y tế không nhỏ.
Có thể nói, 2 năm qua, dịch bệnh đã làm đảo lộn mọi thứ, để đối phó với Covid -19 chúng ta đã phải nỗ lực rất nhiều. Nhiều quyết sách trong phòng chống dịch đã thay đổi để chúng ta mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội trong đó có việc xem xét phân loại Covid -19 vào nhóm bệnh lý thông thường để nới lỏng các quy định. Tuy nhiên, quyết định này hiện vẫn phải dựa trên mức độ virus lây lan trong nước, tỉ lệ ca nhiễm trở nặng, tử vong cũng như nguy cơ ca nhiễm mới bùng phát thành đại dịch lớn, và cả nguồn lực sẵn có về vaccine, thuốc điều trị. Vì thế việc chắc chắn có thể tuyên bố Covid-19 là bệnh thông thường ở nước ta cần phải thêm một thời gian nữa./
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận