COVID-19 có liên quan đến giảm cân và suy dinh dưỡng không?
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI) của Mỹ, giảm cân và nguy cơ suy dinh dưỡng rất phổ biến ở bệnh nhân COVID-19 được đánh giá sau khi thuyên giảm lâm sàng.
COVID-19 ảnh hưởng đến các cơ quan khác nhau và hoạt động của chúng. Các chuyên gia y tế cho biết, tình trạng nhiễm trùng trong nhiều trường hợp dẫn đến sụt cân ở bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh nặng.
Một phân tích posthoc vào tháng 10/2020 của nghiên cứu thuần tập theo thời gian đã chỉ ra rằng bệnh COVID-19 có thể liên quan đến các biểu hiện lâm sàng, từ thay đổi về mùi và vị đến suy hô hấp nghiêm trọng cần chăm sóc đặc biệt. Những điều này có thể liên quan đến sụt cân và suy dinh dưỡng.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học Quốc gia (NCBI) của Mỹ, giảm cân và nguy cơ suy dinh dưỡng rất phổ biến ở bệnh nhân COVID-19 được đánh giá sau khi thuyên giảm lâm sàng. Trong đó, gần 30% bệnh nhân giảm hơn 5% trọng lượng cơ thể ban đầu, và hơn một nửa có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
“Nhiều bệnh nhân COVID-19 bị sụt cân do mất khứu giác và vị giác dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn một cách tự nhiên. Nhưng nó có thể nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân đã bị nhiễm trùng nấm đen (mucormycosis). Với tình trạng nhiễm trùng nấm đen thứ phát, những bệnh nhân này đã phải phẫu thuật và được sử dụng nhiều loại thuốc chống nấm gây buồn nôn, làm ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn và trong nhiều trường hợp dẫn đến sụt cân”, Bác sĩ Abhishek Subhash, chuyên gia tư vấn nội khoa tại Bệnh viện Bhatia, giải thích.
Nghiên cứu cũng lưu ý, việc điều trị tại nhà và các triệu chứng của virus SARS-CoV-2 có thể hạn chế mức độ hoạt động thể chất, dẫn đến mất khối lượng nạc. Những yếu tố này, cùng với phản ứng viêm toàn thân, có thể dẫn đến suy dinh dưỡng ngay cả ở những bệnh nhân không nhập viện. Tuy nhiên, không có dữ liệu nào về tác động của COVID-19 đối với tình trạng dinh dưỡng.
Chia sẻ với Tờ The Indian Express, các bác sĩ điều trị cho biết sự gia tăng của các bệnh như tiểu đường loại 2, tình trạng cường giáp, hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS), viêm phổi thứ phát sau hồi phục và triệu chứng COVID kéo dài cũng dẫn đến giảm cân.
Khi so sánh các bệnh nhân có hoặc không giảm cân, những người giảm cân bị viêm toàn thân nhiều hơn (CRP ban đầu ở những bệnh nhân nhập viện đạt giá trị cao nhất), chức năng thận kém hơn (tỷ lệ bệnh nhân có eGFR <60 mL / phút / 1,73 m2), và thời gian bệnh dài hơn, theo nghiên cứu ở Milan (Italy).
Được biết, viêm toàn thân cấp tính ảnh hưởng sâu sắc đến một số con đường trao đổi chất và vùng dưới đồi, gây chán ăn và giảm lượng thức ăn cũng như tăng tiêu hao năng lượng khi nghỉ ngơi và tăng dị hóa cơ. Các tình trạng viêm cấp tính có thể kích hoạt các phản ứng viêm thần kinh dai dẳng ở những người dễ bị tổn thương, có thể kéo dài tình trạng viêm và suy giảm ngay cả sau giai đoạn hồi phục.
Đồng ý với những lý giải trên, Tiến sĩ Navneet Sood, chuyên gia tư vấn về phổi, Bệnh viện Chuyên khoa Dharamshila Narayana, lưu ý thêm sụt cân có thể không trực tiếp do nhiễm virus mà trong nhiều trường hợp do tình trạng viêm kéo dài, trong đó nhiễm trùng là một phần gây ra trạng thái dị hóa trong cơ thể dẫn đến sụt cân. Bệnh nhân cần có ý thức hơn về sức khỏe của mình ngay cả khi không bị nhiễm trùng. Các biến chứng sau COVID-19 là một mối quan tâm lớn hơn nhiều. Bệnh nhân sau hồi phục nên đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận