Chuyên gia khuyến cáo không chủ quan, tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho trẻ
Thời gian gần đây, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị nhiều trẻ sốt xuất huyết, đáng chú ý có trẻ nguy kịch do nhập viện muộn, gây chậm trễ trong điều trị.
ThS.BS Nguyễn Trọng Dũng, Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một tuần trước khi nhập viện, bé gái H.T (9 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) sốt cao liên tục từ 39-41 độ C. Bé được dùng hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Trẻ được người nhà theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà tuy nhiên đến ngày thứ 6 của bệnh, bé bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho trẻ mắc sốt xuất huyết.
Ngày 4/10/2021, bé được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám và điều trị nhưng do tình trạng bệnh chuyển biến nặng, đêm cùng ngày, trẻ được chuyển đến Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy tuần hoàn, viêm não, tổn thương cơ tim. Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền sốt xuất huyết.
Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết thường xảy ra vào thời điểm mùa mưa (khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm). Đây là thời gian thuận lợi cho muỗi sốt xuất huyết sinh sản và phát triển.
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.
Ở giai đoạn đầu của bệnh trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Với trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam… Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Vào giai đoạn này trẻ có thể vẫn còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương. Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện thường nhận thấy như: vật vã, bứt rứt, li bì, tụt huyết áp, xuất huyết dưới da… Sau giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, trình trạng sức khỏe cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, …
Theo bác sĩ Hải, sốt xuất huyết là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh. Vì vậy cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn.
Bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, cần cho trẻ đi khám để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện. Ngoài ra, cha mẹ lưu ý một số vấn đề về chăm sóc trẻ như: cho trẻ uống nhiều nước (nước đun sôi để nguội), nước trái cây… Đặc biệt đối với việc dùng thuốc hạ sốt, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, không tự ý sử dụng loại khác khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng bệnh có dấu hiệu nặng, phải đưa trẻ đi khám và điều trị tại các sơ sở y tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho trẻ tại nhà hoặc các cơ sở y tế không đủ điều kiện, đề phòng biến chứng dẫn đến tử vong.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể.
Tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các biện pháp an toàn trong phòng chống COVID-19. Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn triển khai các hoạt động tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch với công tác phòng chống COVID-19, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch.
Cục Y tế dự phòng cũng chỉ đạo các đơn vị y tế cập nhật và báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định của Bộ Y tế./.
Minh Khánh/VOV.VN
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận