Cảnh báo việc người mắc COVID-19 tự dùng máy tạo oxy tại nhà
Oxy là yếu tố quan trọng với các bệnh nhân COVID-19, nhất là người có diễn biến nặng, nguy kịch. Tuy nhiên, việc tự sử dụng máy tạo oxy tại nhà có thể gây nhiều hậu quả khó lường.
Với việc các quốc gia vẫn đang phải vật lộn với sự bùng phát nghiêm trọng số ca mắc và tử vong do COVID-19, nhiều bệnh viện đã phải từ chối bệnh nhân do thiếu máy thở oxy. Điều đó đã dẫn đến việc người dân tự ý tìm đến các phương pháp điều trị được lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội.
Như tại Ấn Độ, hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua khi nước này đang trong đỉnh dịch, các bác sĩ và nhà khoa học đã cảnh báo về hiểm họa nghiêm trọng khi cố gắng tạo oxy y tế tại nhà. Trên các mạng xã hội khi đó đã xuất hiện tràn lan những video hoặc những chia sẻ về các phương pháp tự tạo oxy hay tự sử dụng máy oxy tại nhà.
Dữ liệu tìm kiếm của Google cho thấy, cụm từ “cách tạo oxy tại nhà” đã dẫn đầu xu hướng tại Ấn Độ và đạt mức cao nhất vào ngày 25/4 khi cuộc khủng hoảng y tế tại quốc gia Nam Á này trở nên tồi tệ hơn. Các video trên Youtube mô tả chi tiết các quy trình tạo oxy như vậy đã thu hút hàng trăm lượt xem, trong khi các video hướng dẫn cách tạo oxy thông qua các phương pháp điện phân ngày càng nhiều. Thậm chí có những người hít hơi nước từ nồi áp suất và ấm đun vì tin rằng đây là cách rất hiệu quả để tiêu diệt virus SARS-CoV-2.
Hiểm họa khôn lường từ việc tự dùng máy tạo oxy tại nhà
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bệnh nhân mắc COVID-19 ở tình trạng nặng, nguy kịch sẽ rơi vào tình trạng nồng độ oxy của cơ thể xuống mức rất thấp. Lúc này, các tế bào trong cơ thể không đủ oxy để thực hiện các chức năng bình thường. Hậu quả là người bệnh ngừng tuần hoàn, rơi vào hôn mê hoặc tử vong. Vì vậy phương pháp điều trị cần thiết lúc này để cứu sống người bệnh chính là oxy y tế.
Khác với oxy dạng thông thường lẫn ở trong không khí, oxy y tế là dạng oxy có độ tinh khiết cao, không màu, không mùi, được máy móc thanh lọc từ không khí sau đó được người dùng hít thở trực tiếp thông qua các loại ống dẫn. Đây cũng chính là loại oxy mà các chuyên gia y tế cung cấp cho bệnh nhân để giữ lượng oxy ở mức bình thường trong cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới không khuyến cáo việc tự ý dùng bất kỳ loại thuốc nào hay oxy y tế như một biện pháp phòng ngừa hoặc chữa bệnh. Bất kỳ phương pháp nào khác thử tạo oxy tại nhà đều có rủi ro như hít phải khí độc, gây cháy nổ.
Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã cấm bán hoặc sử dụng máy tạo oxy nếu không có kê đơn, chỉ dẫn của bác sĩ. Quyết định sử dụng máy tạo oxy mà không có đơn thuốc có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như ngộ độc oxy do nhận quá nhiều oxy. Nó cũng có thể dẫn đến sự chậm trễ trong việc điều trị các tình trạng nghiêm trọng của COVID-19.
Mặc dù oxy chiếm khoảng 21% không khí xung quanh chúng ta, nhưng hít thở nồng độ oxy cao có thể gây hại cho phổi của bạn. Mặt khác, không nhận đủ oxy vào máu, một tình trạng được gọi là thiếu oxy, có thể gây hại cho tim, não và các cơ quan khác.
Nếu quá tin tưởng, phụ thuộc máy tạo oxy, không nhập viện kịp thời, bệnh nhân có thể rơi vào suy hô hấp nặng, nguy hiểm tính mạng.
Làm thế nào để đo mức oxy?
Nồng độ oxy bão hòa trong máu ở một người khỏe mạnh là >96%. Dưới mức này, họ cần được hỗ trợ oxy y tế. Theo Tiến sĩ Ravichandra của Tổ chức Y tế thế giới, có hai cách dễ dàng để đo mức oxy:
- Sử dụng máy đo oxy xung: Bạn có thể đo nồng độ oxy của bệnh nhân bằng máy đo oxy xung mà bạn có thể đặt vào ngón tay, ngón chân hoặc dái tai. Đây là một phương pháp kiểm tra không đau, chỉ mất chưa đầy 2 phút. Máy đo oxy xung đo độ bão hòa oxy hoặc tỷ lệ phần trăm oxy trong máy của bệnh nhân. Theo Tài liệu hướng dẫn của WHO về đo oxy trong mạch, nếu độ bão hòa oxy là 93% hoặc thấp hơn, bệnh nhân cần được điều trị nhanh chóng độ bão hòa dưới 90% cần một cấp cứu lâm sàng.
- Tốc độ hô hấp: Tốc độ hô hấp là số nhịp thở của một người trong một phút. Tiến sĩ Somashekhara, Giám đốc Viện Lao quốc gia Ấn Độ giải thích, một phương pháp đơn giản để đo nhịp hô hấp mà không cần bất kỳ thiết bị nào là giữ lòng bàn tay trên ngực, đo nhịp hô hấp trong 1 phút. Nếu tốc độ hô hấp dưới 24 mỗi phút, mức oxy của bạn là an toàn. Nếu bệnh nhân thở hơn 30 lần mỗi phút, mức oxy thấp.
Sử dụng máy oxy
Các chuyên gia lưu ý rằng liệu pháp oxy chỉ có thể được thực hiện khi có mặt của nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc cũng có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp khi đang được chăm sóc y tế hoặc trong khi chờ xe cấp cứu, song phải dưới sự giám sát y tế chặt chẽ.
Giáo sư Sanyogita Naik, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Trường Cao đẳng Y tế BJ cho biết, máy tập trung oxy chỉ có thể được sử dụng trong các trường hợp mắc COVID-19 vừa phải, tức là khi bệnh nhân bị giảm nồng độ oxy và nhu cầu oxy tối đa là 5 lít mỗi phút. Ngoài ra, máy tạo oxy cũng rất hữu ích cho những bệnh nhân gặp phải các biến chứng sau COVID-19 cần điều trị bằng oxy.
Trong cả hai trường hợp trên, mục tiêu của liệu pháp oxy là đạt được mức bão hòa 94%. Khi bệnh nhân có mức oxy từ 93% đến 94%, liệu pháp oxy có thể được ngừng. Quá nhiều oxy có thể dẫn đến tăng mức độ carbon dioxide, dẫn đến các biến chứng. Trong tất cả các trường hợp trên, việc cung cấp oxy đều phải diễn ra dưới sự giám sát y tế./.
Theo WHO, Reuters, Hindustamtimes
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận