Cần Thơ: 3 nhân viên y tế nghi nhiễm cúm A/H1N1 từ bệnh nhân
Bệnh viện đa khoa (BVĐK) TP. Cần Thơ đã cách ly 3 nhân viên của BV có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1 sau khi điều trị cho một bệnh nhân dương tính với cúm này.
Trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, 3 nhân viên y tế của Khoa Tim mạch đã xuất hiện triệu chứng của bệnh cúm A/H1N1. Hiện các nhân viên này đã được cách ly và điều trị cúm A/H1N1 theo phác đồ của Bộ Y tế.
BVĐK TP. Cần Thơ cũng đã lập danh sách các nhân viên y tế tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân T. để kiểm tra xem có lây bệnh hay không. Đồng thời, theo dõi thường xuyên 2 người nhà đang chăm sóc bệnh nhân tại BV.
Phó Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, sau khi xác định bệnh nhân T. bị nhiễm cúm A/H1N1, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố đã họp khẩn với BVĐK TP. Cần Thơ và thống nhất thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1 để triển khai các bước về phòng, chống dịch. Sở cũng đã thông báo trường hợp của bệnh nhân này tới Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long.
Ổ dịch cúm A/H1N1 ở TPHCM đã được khống chế
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, ổ dịch cúm A/H1N1 tại BV Từ Dũ (TPHCM) đã được khống chế.
Vừa qua, cúm A/H1N1 đã bùng phát tại BV Từ Dũ với 28 trường hợp mắc bệnh và lây lan nhanh.
Đặc biệt, đã có một bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên nền bệnh mạn tính, sức khỏe của bệnh nhân yếu, miễn dịch giảm, bệnh bùng phát gây tử vong.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cúm A/H1N1 hiện nay là cúm mùa, cúm thông thường, không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, cúm này có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí gây tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, trên nền bệnh nhân có bệnh.
Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh cho biết, kết quả giám sát cúm từ hệ thống giám sát quốc gia những tháng đầu năm 2018 ghi nhận, virus cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ cao hơn so với các chủng virus cúm mùa khác, hơn 40%, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.
Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền bệnh cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là nơi tập trung đông người.
Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống cúm, mọi người nên che miệng khi ho, hắt hơi. Sau đó cần rửa sạch bàn tay để khi cầm nắm các vật dụng dùng chung… sẽ hạn chế việc lây lan mầm bệnh cho người khác chạm vào.
Hiện nay đã có vaccine phòng cúm, được tiêm ở các điểm tiêm vaccine dịch vụ. Sau tiêm khoảng một tháng, vaccine sẽ có tác dụng bảo vệ.
BT ( Nguồn Báo Chính phủ)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận