Cần hỗ trợ nhiều hơn về sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch
Một đánh giá toàn cầu về các nghiên cứu cho thấy mức độ trầm cảm, hậu chấn tâm lý (PTSD), lo lắng và kiệt sức cao ở các nhân viên y tế tuyến đầu trong đại dịch COVID-19. Điều này cho thấy cần có nhiều hỗ trợ hơn cho các chiến binh áo trắng đang đối phó với đại dịch.
Cuộc đánh giá do Đại học York và Quỹ Sức khỏe Tâm thần thực hiện cũng chỉ ra rằng bệnh nhân COVID-19 có các vấn đề sức khỏe thể chất khác, cũng như trẻ em và thanh thiếu niên đang phải vật lộn với một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần trong đại dịch. Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí PLOS ONE.
Nghiên cứu đã xem xét 25 đánh giá có hệ thống được thực hiện trong những tháng đầu của đại dịch. Nhiều nghiên cứu trong số này là của các nhân viên bệnh viện ở Trung Quốc.
Trong một đánh giá của các nhân viên y tế trong bệnh viện, ước tính có khoảng 12% người mắc chứng lo âu, trong khi ở đánh giá khác, có tới 51% người bị trầm cảm và hội chứng PTSD.
Đối với trẻ em, những thay đổi trong việc tương tác trong gia đình và những thay đổi xã hội như đóng cửa trường học có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng bất lợi về sức khỏe tâm thần.
Đánh giá trên là sự hợp tác giữa Trung tâm Đánh giá và Phổ biến của Đại học York và Quỹ Sức khỏe Tâm thần. Ngoài ra, một hội đồng gồm 6 nhân viên chăm sóc sức khỏe của Vương quốc Anh đã giúp các nhà nghiên cứu giải thích những phát hiện của bài đánh giá.
Được biết, sự hỗ trợ từ đồng nghiệp, giao tiếp tại nơi làm việc và việc đáp ứng nhu cầu về nguồn lực đóng vai trò quan trọng để giúp đỡ các nhân viên y tế tuyến đầu.
Tác giả chính, bà Noortje Uphoff, Nghiên cứu viên tại Trung tâm Đánh giá và Phổ biến của Đại học York, cho biết hỗ trợ bổ sung trong các đợt bùng phát đại dịch COVID-19 có thể ngăn chặn gánh nặng gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần trong dân số.
Theo bà Noortje Uphoff, nhân viên y tế có thể có nguy cơ cao gặp các tình trạng sức khỏe tâm thần bất lợi do tính chất công việc căng thẳng. Tuy nhiên, sức khỏe tâm thần có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn do làm việc ở tuyến đầu trong thời gian bùng phát dịch bệnh.
Mục đích của nghiên cứu này là chỉ ra những loại hỗ trợ nào cần được khám phá để bảo vệ sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong đại dịch này cũng như bất kỳ đợt bùng phát COVID-19 nào trong tương lai./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận