“Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao vào 2030”
Đây là chủ đề Ngày thế giới phòng, chống lao của Việt Nam năm nay. Chủ đề nhấn mạnh từ cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19, mọi người dân hãy chung tay tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao.
Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay, hằng năm, số người tử vong do lao còn cao hơn nhiều số tử vong do tai nạn giao thông. Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nếu công tác phòng, chống lao cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức, được sự chung tay của các cấp, các ngành và của cả cộng đồng thì mục tiêu loại bỏ bệnh lao vào năm 2030 hoàn toàn có thể thực hiện được.
Hiện, ở nước ta có đến 174.000 người mắc bệnh lao và đến 13.000 người tử vong do lao, bao gồm cả lao/HIV trong một năm. Số người mắc không chỉ xảy ra ở một vài nơi như TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc mà tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
PGS.TS.BS Nguyễn Viết Nhung cũng chia sẻ, bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Cơ chế lây bệnh lao nguy hiểm hơn COVID-19 vì vi khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi.
Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 57%, có nghĩa là còn tới 43% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và báo cáo trong cộng đồng.
Để có thể phát hiện được nhiều số ca mắc lao tại nước ta, Chương trình chống lao Quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao, đối với tất cả các thể lao.
Những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, Chương trình đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ là hơn 2.000 người bệnh. Để mọi người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là của cả cộng đồng, không kỳ thị mặc cảm mà chủ động tham gia phát hiện bệnh khi có triệu chứng.
Hiện, tỉ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức cao, trên 90% với bệnh nhân lao mới, 75% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn, tỉ lệ điều trị thành công bệnh nhân lao mới trên thế giới là 85%, con số này ở bệnh nhân kháng đa thuốc là 56%. Các kỹ thuật công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Chương trình chống lao Quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20/100.000 người dân và giảm số người chết do bệnh lao, để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao.
Trong cuộc chiến này, một lực lượng vô cùng quan trọng là người phụ nữ trong mỗi gia đình. Chương trình Chống lao Quốc gia đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao.
Hội Phổi Việt Nam vừa thành lập Chi hội Phụ nữ và đây sẽ là nòng cốt trong công tác tuyên truyền hướng dẫn phòng, chống lao đến từng hội viên Hội Phụ nữ Việt Nam trong toàn quốc. Đồng thời, Chương trình cũng đặt chỉ tiêu 10 triệu thanh niên và 100% học sinh bậc tiểu học có kiến thức và thực hành về công tác phòng, chống lao.
Theo Hiền Minh (Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận