Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có tỷ lệ tử vong thứ 4 trên thế giới
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những căn bệnh không lây nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới.
Theo ThS.BS Phan Thanh Thuỷ, Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thông thường là bệnh nhân nam giới có độ tuổi trên 40 và có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào. Bên cạnh đó, cũng có một số ít những bệnh nhân là nữ giới và không chỉ những bệnh nhân hút thuốc chủ động mà cả những trường hợp hút thuốc thụ động tức là hít khói thuốc từ những người khác, từ đồng nghiệp trong cơ quan hay người thân trong gia đình là những người có yếu tố nguy cơ cao mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ngoài ra, những yếu tố khác như ô nhiễm môi trường, khói bụi nghề nghiệp, hít phải khói từ bếp rơm, rạ cũng là yếu tố nguy cơ khởi phát và làm tiến triển bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý từ đường hô hấp, tiến triển dai dẳng và kéo dài. Nó sẽ gây ra bệnh lý ở đường hô hấp và bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở. Có những trường hợp khi bệnh nhân khó thở nếu không được xịt những loại thuốc cắt cơn và không có các thuốc điều trị dự phòng kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp gây nguy hiểm đến tính mạng, thậm chí là tử vong. Ngoài ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính còn gây ra những biến chứng tại phổi như tràn khí màng phổi hay các biến chứng về tim mạch như bệnh nhân suy tim và lâu dần từ suy tim phải, sẽ dẫn đến suy tim toàn bộ.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính thường có dấu hiệu rất dễ nhận biết như ho, khạc đờm lâu ngày. Ban đầu có thể bệnh nhân chỉ có thể ho ngắt quãng nhưng về sau triệu chứng ho của bệnh nhân sẽ tăng lên ho khan, khạc đờm và ho kéo dài liên tiếp. Bên cạnh đó, là triệu chứng khó thở. Đáng chú ý, khó thở ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có đặc điểm là bệnh nhân sẽ khó thở dần theo thời gian, lúc đầu bệnh nhân chỉ khó thở khi gắng sức (như đi bộ nhanh hoặc leo thang gác) nhưng sau dần những triệu chứng khó thở sẽ nặng dần lên và bệnh nhân sẽ thấy khó thở thậm chí cả khi nghỉ ngơi và đến giai đoạn bệnh nhân không làm gì cũng thấy khó thở.
Nhiều phương pháp điều trị
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có rất nhiều phương pháp điều trị, trong đó có các biện pháp điều trị không dùng thuốc ví dụ bệnh nhân phải bỏ thuốc lá, thuốc lào. Bên cạnh đó, còn có các biện pháp để dự phòng như tiêm phòng vaccine cúm hàng năm, tiêm phòng vaccine phòng phế cầu nhắc lại sau 5 năm. Ngoài ra còn có biện pháp phục hồi chức năng hô hấp là hướng dẫn bệnh nhân tập thở cơ hoành, tập thở chúm môi hay hướng dẫn bệnh nhân tập các bài ho có kiểm soát. Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể dùng thuốc giãn phế quản, thuốc giãn phế quản đường hít, đường xịt, uống và khí dung, thậm chí phải thở oxi, thở máy tại nhà. Ngoài ra, hiện nay là điều trị phương pháp ghép tế bào gốc đang được triển khai và bước đầu cho thấy các kết quả rất khả quan.
Các bác sĩ khuyến cáo thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nên chúng ta tuyệt đối không được hút thuốc. Phải giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, giữ ấm cố họng vào mùa lạnh để phòng tránh những đợt cấp, đợt bội nhiễm có thể tăng nặng. Với tình hình ô nhiễm không khí như hiện nay, khi ra đường chúng ta phải có biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang để tránh hít phải những khói bụi độc hại./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận