Báo động trẻ hóa rối loạn trầm cảm
Báo cáo điều tra sức khỏe tâm thần vị thành niên Việt Nam do Viện Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy 21,7% trẻ vị thành niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng
Theo Tổ chức Y tế thế giới, chứng bệnh trầm cảm là nguyên nhân đứng thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Hiện nay 85% bệnh nhân rối loạn trầm cảm ở nước ta có độ tuổi từ 13 đến 18. Trong đó, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Nhiều trường hợp bị rối loạn trầm cảm do yếu tố nội sinh, tức là gặp yếu tố bất thường về gen và sinh học.
Theo các chuyên gia tâm lý, trầm buồn là một phản ứng cảm xúc tự nhiên của con người trong cuộc sống. Trạng thái cảm xúc này trở thành bệnh lý gọi là rối loạn trầm cảm, khi biểu hiện trầm trọng, kéo dài ít nhất hai tuần và ảnh hưởng rõ rệt đến các sinh hoạt, học tập lao động hàng ngày. Trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ vị thành niên bị khủng hoảng, từ mức độ nhẹ nhất cho đến mức độ nặng nề nhất. Cũng có quan điểm cho rằng đây là biểu hiện bình thường ở giai đoạn này, là biểu hiện thoảng qua hay tình trạng khủng hoảng ở thời kỳ dậy thì, chứ chưa phải hoàn toàn là bệnh lý.
TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, trầm cảm là một rối loạn cảm xúc, biểu hiện bằng khí sắc trầm, mất mọi sự quan tâm hay thích thú, giảm năng lượng dẫn tới tăng sự mệt mỏi và giảm hoạt động. Ở trẻ vị thành niên, trầm cảm ảnh hưởng đến học tập và khả năng hòa nhập của trẻ trong xã hội. Ngoài ra, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ý tưởng và hành vi tự hủy hoại bản thân hoặc tự sát.
Thời gian qua, Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận nhiều trẻ vị thành niên có chấn động về tâm lý, rối loạn trầm cảm... Trong số này có một số bệnh nhi 13, 14 tuổi nhập viện do tự tử bằng thuốc giảm đau liều cao. Trước khi được phát hiện bệnh, trẻ cảm thấy thất vọng vì bản thân không đáp ứng được những kỳ vọng của cha mẹ và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về cách sống. Tình trạng này kéo dài khiến trẻ rơi vào vào trầm cảm.
Trường hợp em N.D.H., 15 tuổi ở huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) phát hiện bị trầm cảm từ năm học lớp 7. Tại bệnh viện, H. chia sẻ là do bố mẹ hay cãi nhau và bố thường xuyên bạo lực với mẹ, từ đó H. cảm thấy chán nản, ghét con trai và bắt đầu lên mạng xã hội làm quen và yêu một bạn đồng giới lớn hơn vài tuổi. Từ đó, cứ mỗi buổi tối, cả hai thường xuyên trò chuyện đến tận 2, 3 giờ sáng... Dần dần, ít nói, sống thu mình lại, không chịu tiếp xúc hay tâm sự, trò chuyện cùng gia đình cũng như bạn bè, tính tình cũng không còn hoạt bát, năng động như trước nên bố mẹ đã đưa H. đi khám sức khỏe tâm thần.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm vị thành niên là một rối loạn tâm trạng gây ra cảm giác buồn bã và mất hứng thú trong cuộc sống. Đây là vấn đề hay gặp ở tuổi vị thành niên nhưng do các bậc phụ huynh không nhận biết được mà thường nhầm lẫn là giai đoạn dậy thì.
Những dấu hiệu nhận biết
Theo bác sĩ Đỗ Minh Loan, trẻ có rất nhiều dấu hiệu trầm cảm và phụ huynh hoàn toàn có thể nhận diện qua các hành động khác lạ của con như: thay đổi cách ăn uống, rối loạn giấc ngủ, trốn tránh bạn bè, gia đình, bỏ những thói quen thường nhật, có hành vi bạo lực, đập phá, đánh nhau, không kiềm chế được cảm xúc, hành vi, cẩu thả trong cách ăn mặc, thay đổi cá tính một cách bất ngờ, thường xuyên chán nản, không thể tập trung, từ chối không đi học, mất hứng thú về những thú vui cá nhân...
Thường thì trẻ học không tập trung, sa sút trong học tập là biểu hiện đầu tiên của rối loạn tâm lý dẫn đến trầm cảm ở lứa tuổi vị thành niên. Đây cũng chính là nguyên nhân gây mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái. Vì bố mẹ rất kỳ vọng vào việc học của con. Con lơ đãng, con không tập trung học, bố mẹ sẽ quy chụp, cho rằng con xao nhãng, yêu đương... Chính mâu thuẫn, xung đột này có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh trầm cảm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân, khi con xao nhãng học, bố mẹ phải tìm hiểu kỹ, con gặp nguyên nhân gì. Tìm nguyên nhân còn quan trọng hơn lời chửi mắng, chỉ trích, áp đặt. Trẻ vị thành niên có nhiều thay đổi trong tâm lý. Ở giai đoạn này, nhiều em có những hành vi chống đối, thay đổi tính cách, cáu giận. Tuy nhiên, thay đổi trong bệnh trầm cảm thể hiện rõ nét, bố mẹ có thể không nhận ra con mình, mà có khi còn bị nhầm lẫn đó là sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này.
Thông thường trẻ mắc trầm cảm và mang ý định tự sát thường có những dấu hiệu nhất định và nếu bố mẹ để ý rất dễ nhận biết. Chẳng hạn con nói những câu như: Bố mẹ tốt hơn khi không có con; con muốn chết; con muốn đi ngủ và không bao giờ tỉnh lại; cuộc sống này thật không đáng sống, ước gì con biến mất mãi mãi… Khi thoáng nghe con nói những câu đó, hoặc thấy con ghi chép ra sổ sách, vở học… bố mẹ phải nhạy bén, cảnh giác bởi đây là dấu hiệu cấp báo cho thấy trẻ có ý định từ bỏ mạng sống của mình. Ngay khi phát hiện con có những biểu hiện trên, cha mẹ cần tìm tới sự trợ giúp của các chuyên gia y tế và tâm lý để hỗ trợ con.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bác sĩ Thiều Thị Huyền Nhung - Khoa Sức khỏe vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) khuyên cha mẹ cần thường xuyên quan tâm, chia sẻ mọi khó khăn cũng như niềm vui trong cuộc sống cùng con. Không nên đưa ra những nhận xét tiêu cực về những quan điểm hay vấn đề của trẻ, không nên quát mắng, xúc phạm khi trẻ có lỗi mà nên phân tích, giảng giải cho trẻ hiểu; không nên đặt ra quá nhiều kỳ vọng cũng như gây thêm cho trẻ các áp lực về thành tích học tập. Trẻ thường che giấu những vấn đề khiến chúng bị tổn thương, do vậy cha mẹ cần quan sát kỹ những biểu hiện bất thường của con để kịp thời tháo gỡ, giúp trẻ mở lòng và tự tin hơn trong cuộc sống.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cho rằng, trẻ em có thể gặp những rối loạn tuổi học đường. Nếu không phát hiện sớm, can thiệp sớm và đúng cách sẽ để lại hậu quả khó lường.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Rối loạn trầm cảm, tỷ lệ mắc ở nữ thường gấp đôi nam và tỷ lệ này tăng dần theo tuổi. Tuổi khởi phát trung bình là 18. Tuy nhiên tuổi khởi phát trẻ ngày càng tăng lên và khi khởi phát ở lứa tuổi trẻ hơn dưới 11 tuổi hoặc lớn hơn thì đó là dấu hiệu của tình trạng tồi tệ hơn của chứng bệnh trầm cảm.
Nguồn: http://daidoanket.vn/bao-dong-tre-hoa-roi-loan-tram-cam-5742602.html
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận