Báo động gia tăng các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ
Adenovirus, một mầm bệnh phổ biến gây ra một loạt bệnh trong đó có cảm lạnh thông thường, có thể là nguyên nhân dẫn tới bùng phát các ca mắc bệnh viêm gan cấp tính ở trẻ em thời gian gần đây.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), gần 300 trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em đã được báo cáo tại 20 quốc gia toàn trên thế giới, trong đó ít nhất 4 trường hợp tử vong và hàng chục trường hợp phải cấy ghép gan.
Ca bệnh đầu tiên xuất hiện ở đâu và khi nào?
Vào đầu tháng 4, Anh trở thành quốc gia đầu tiên thông báo lên Tổ chức Y tế thế giới về một nhóm các trường hợp mắc bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em. Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng bệnh do các loại virus viêm gan thông thường gây ra như A, B, C và E (và thậm chí là virus viêm gan D ở một số trường hợp). Cũng theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh, họ không xác định được bất kỳ yếu tố nguy cơ nào liên quan tới hoạt động đi lại, ăn kiêng, tiếp xúc hóa chất hay các yếu tố nguy cơ khác có thể giải thích cho sự bùng phát dịch bệnh.
Sau Anh, hàng loạt quốc gia như Áo, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Đức, Ireland, Israel, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Rumani, Tây Ban Nha và Mỹ đã báo cáo các trường hợp tương tự. Mới đây nhất, Indonesia đã xác nhận 3 trường hợp trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Tại Mỹ, tiểu bang Alabama đã ghi nhận 9 trường hợp trong khoảng thời gian từ tháng 10-12/2021, trong đó 3 trẻ bị suy gan và 2 trẻ cần cấy ghép gan. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã đưa ra một cảnh báo trên toàn quốc, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo dõi những trường hợp tương tự. Tới nay 10 bang tại Mỹ đã xác nhận các trường hợp mắc hoặc nghi mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân.
Mức độ nghiêm trọng
Độ tuổi của những trẻ mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân là từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, trong đó trẻ dưới 10 tuổi chiếm phần lớn. Trong số gần 300 trường hợp được tổ chức Y tế thế giới xác nhận, 10% cần cấy ghép gan và ít nhất 4 trường hợp đã tử vong.
Triệu chứng thường gặp
Đau bụng, tiêu chảy và nôn nửa, sau đó là vàng da, với biểu hiện là da hoặc lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy dấu hiệu gan bị viêm nặng, chỉ số men gan cao rõ rệt. Hầu hết các em không bị sốt.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm gan bao gồm mệt mỏi, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, phân màu nhạt và đau khớp.
Nguyên nhân?
Theo bác sĩ Tina Tan tại Bệnh viện Nhi Lurie ở Chicago và là thành viên Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ, đây có thể là một bệnh do virus gây ra vì các ca bệnh xuất hiện theo từng cụm. Tuy nhiên các chuyên gia vẫn chưa biết chính xác loại virus nào gây ra.
Cuối tháng 4 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, Adenovirus đã được phát hiện ở hơn 40% các trường hợp và trong đó một chủng cụ thể đã được xác định là adenovirus 41. Tuy nhiên những phát hiện này vẫn cần nghiên cứu thêm, bởi adenovirus thường tự khỏi và không gây ra mức độ bệnh nghiêm trọng ở trẻ.
Một số trường hợp cũng bị mắc COVID-19. Tuy nhiên, các quan chức y tế Mỹ đã bác bỏ mối liên hệ giữa các ca viêm gan cấp tính ở trẻ và COVID-19. Bởi tất cả các bệnh nhân trong cụm Alabama ban đầu đều âm tính với COVID-19 và không có tiền sử mắc bệnh trước đó.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng lưu ý rằng, phần lớn trẻ em bị viêm gan cấp tính không tiêm bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào, tức là giả thuyết về tác dụng phụ của vaccine là khó có khả năng xảy ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới, các phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi nêu trên nhiễm các loại virus viêm gan A, B, C và E (và thậm chí là virus viêm gan D ở một số trường hợp). Cũng không có yếu tố nguy cơ nào được xác định, bao gồm cả du lịch quốc tế.
Adenovirus là gì?
Adenovirus là những loại virus phổ biến gây ra một loạt bệnh, bao gồm các triệu chứng giống như cảm lạnh, sốt, đau họng, viêm phế quản, viêm phổi và tiêu chảy.
Có hơn 50 chủng có thể lây nhiễm sang người. Trong khi chúng thường gây ra các trường chứng hô hấp nhất, thì adenovirus cũng có thể dẫn đến viêm dạ dày ruột, viêm kết mạc và nhiễm trùng bàng quang.
Adenovirus 41 thường gây tiêu chảy, nôn mửa và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Tuy nhiên loại virus này không được biết đến là có thể gây viêm gan ở trẻ khỏe mạnh.
Theo Tiến sĩ Richard Malley, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Boston cho biết, hiện vẫn khó có thể dự đoán liệu tình trạng bệnh này có trở nên phổ biến hơn hay sẽ chỉ là “một đốm nhỏ” trong câu chuyện bệnh truyền nhiễm năm 2022 của thế giới./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận