100% số ca tử vong do sốt xuất huyết là ở các tỉnh miền Nam
100% số ca tử vong do bệnh sốt xuất huyết là ở miền Nam và bệnh có xu hướng tăng nhanh. Số ca tử vong vẫn còn tiếp tục tăng nếu không có giải pháp can thiệp phù hợp.
Đó là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị tăng cường triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và công tác phòng chống sốt xuất huyết khu vực miền Nam do Bộ Y tế tổ chức chiều nay (13/6) tại Viện Pasteur TP.HCM.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Phó Trưởng khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, từ đầu năm đến nay, sốt xuất huyết ở nước ta chủ yếu ở phía Nam, chiếm 80% số ca mắc của cả nước và 100% số ca tử vong với 36 trường hợp tử vong tại bệnh viện do tình trạng nặng. Tử vong do sốt xuất huyết đang ghi nhận ở 10 tỉnh thành, nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh. Đáng chú ý, số ca mắc, tử vong tăng rất nhanh trong 4 tuần gần đây. Chuyên gia này nhận định, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước, nhưng vẫn chưa đạt đỉnh dịch.
Qua giám sát thường xuyên, bác sĩ Lương Chấn Quang cho biết, Viện Pasteur TP.HCM ghi nhận 2 chủng virus sốt xuất huyết lưu hành tại miền Nam là Den-1 và Den-2:
“Điều tra vector ở những điểm là ổ dịch thì chỉ số vector cực kỳ cao, còn mật độ muỗi thì lần đầu tiên chúng tôi ghi nhận có một điểm có đến 3 con trong 1 nhà. Tình hình sốt xuất huyết đang tăng, tupe virus không có gì thay đổi so với 2 năm trước đây nhưng vector thì còn rất nhiều”.
Cũng theo các chuyên gia, dịch sốt xuất huyết trong những tháng đầu năm nay diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong cao hơn mọi năm. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, số ca mắc mới cao hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 5, số ca nhập viện cao bằng tổng số ca tính từ đầu năm. So với mọi năm, số ca tử vong ở trẻ em mắc sốt xuất huyết nhiều hơn so với người lớn.
Tiến sĩ Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân tử vong gia tăng do người dân còn khá chủ quan, khi hết sốt thì sang giai đoạn nguy hiểm nhưng người nhà thường bỏ qua. Bệnh nhân vào viện muộn, chuyển lên tuyến trên cũng muộn.
Đại diện Bộ Y tế cho biết cơ quan này đưa ra các tiêu chuẩn nhập viện, chuyển tuyến khá đầy đủ nhưng trên thực tiễn, qua các hồ sơ bệnh án cho thấy việc hội chẩn, chuyển viện, chỉ định chưa đúng theo hướng dẫn chuyên môn. Ngoài ra, vấn đề chuyển tuyến điều trị với ca bệnh có dấu hiệu chuyển nặng chưa thật sự tốt.
Ông Vương Ánh Dương nói: “Không phải chúng ta không đủ năng lực lọc máu, nhưng có vẻ như đang lẩn tránh việc này để chuyển lên tuyến Trung ương. Những khi có bệnh nhân lọc máu, qua phân tích hồ sơ nếu chúng ta giữ lại mà tăng cường năng lực lọc máu của bệnh viện tuyến tỉnh thì có thể cứu sống được bệnh nhân”./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận