Hà Văn Thắm nêu 6 tình tiết giảm nhẹ xin thoát án tù chung thân
Tại phần tranh luận, cựu Chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm nêu 6 tình tiết xin được giảm nhẹ hình phạt, xin không kết tội chung thân.
Bị cáo Hà Văn Thắm tại tòa. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 2/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm – cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận.
Hà Văn Thắm xin chuyển đổi tội danh
Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Hà Văn Thắm cho biết, trong đơn kháng cáo trước đó ông ta xin được miễn truy tố 2 tội danh Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan số tiền 69 tỷ và 246 tỷ.
Tuy nhiên, sau khi “suy nghĩ lại”, tại phiên phúc thẩm Hà Văn Thắm nhận thức bản thân đã vi phạm quy định của Nhà nước, cụ thể về khoản 69 tỷ đã làm sai Thông tư của Ngân hàng Nhà nước liên quan thu phí ngoài các hợp đồng tín dụng, chi lãi suất vượt trần; khoản 246 tỷ là cố ý làm trái. Theo đó, cựu Chủ tịch Oceanbank xin được chuyển đổi 2 tội danh đã bị truy tố trước đó sang tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiếp tục trình bày, Hà Văn Thắm nêu 6 tình tiết xin được giảm nhẹ hình phạt. Cụ thể, bị cáo xuất thân trong gia đình có công với cách mạng, có người nhà là thương binh liệt sỹ; được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các ban ngành cũng như có nhiều thành tích trong công tác xã hội; trong quá trình điều tra luôn hợp tác với cơ quan, khai báo thành khẩn; hành vi chi lãi suất trong hoàn cảnh bắt buộc, không thể làm khác.
Tình tiết thứ 5 theo bị cáo Thắm là hành vi chi lãi suất vượt trần không còn được quy định trong Bộ luật mới nên mong được áp dụng xem xét giảm nhẹ; Trong quá trình điều tra đã chủ động đưa tài sản, cổ phiếu để cơ quan điều tra niêm phong, khắc phục hậu quả.
Về con số 1.576 tỷ đồng do tòa cấp sơ thẩm xác định là thiệt hại của Oceanbank đối với hành vi chi lãi ngoài, Hà Văn Thắm nói việc chi lãi ngoài là để làm lợi cho ngân hàng trong bối cảnh hầu hết các ngân hàng đều phải chấp nhận vi phạm quy định tại Thông tư 02 để chi lãi suất vượt trần quy định.
Bị cáo này cho rằng con số thiệt hại như cấp sơ thẩm đánh giá là không đúng đồng thời kiến nghị HĐXX xem xét giảm trừ các khoản gồm: 256 tỷ đồng tiền mặt là hoàn ứng cho các khoản tạm ứng nghiệp vụ; xem xét tách hơn 125 tỷ chi cho 3 công ty: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro để chờ kết quả của cơ quan điều tra để quyết định sau; 105 tỷ mà ông Trần Đức Chính - nguyên Kế toán trưởng Vinashin đã thừa nhận chiếm đoạt, nguyên đơn dân sự cũng đề nghị tách phần này ra; tách 146 tỷ do các cá nhân nhận và chưa xác định là chi lãi suất ngoài hợp đồng...
Cho rằng Viện Kiểm sát đã xác định đúng động cơ mục đích phạm tội của mình khi chuyển tiền cho Sơn là để thu hút tiền gửi của PVN vào Oceanbank do Thắm là cổ đông chi phối và là HĐQT, Hà Văn Thắm nói cùng một mục đích động cơ phạm tội nhưng bị quy buộc 3 tội danh là mâu thuẫn và bất lợi cho bị cáo.
Cựu Chủ tịch Oceanbank còn cho rằng, hành vi của mình cũng giống 2 thuộc cấp là cựu Phó TGĐ Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Xuân Thắng. Hai người này cũng đưa tiền cho ông Sơn nhưng chỉ bị truy tố về tội Cố ý làm trái.
Người hưởng lợi thì phải bồi hoàn
Việc bồi thường thiệt hại cho Oceanbank và PVN, Hà Văn Thắm một lần nữa cho rằng PVN cũng chỉ là một cổ đông của ngân hàng giống như các cổ đông khác, do đó nếu phải bồi thường thì bồi thường cho tất cả các cổ đông, chứ không phải cho Oceanbank.
Hà Văn Thắm cho biết, việc coi tài sản của Oceanbank có 20% tài sản của PVN và chỉ cho PVN được bồi hoàn, các cổ đông khác không được sẽ phát sinh những hậu quả không tốt cho xã hội. Việc này cũng khiến phát sinh quá nhiều quyền lợi không chính đáng của các cổ đông Oceanbank nói riêng và các cổ đông ngân hàng nói chung. Tiền lệ này sẽ gây hậu quả không tốt cho nền kinh tế.
Cựu Chủ tịch Oceanbank lập luận, ở hành vi Cố ý làm trái có 44 bị cáo với hơn 50.000 khách hàng. Bản án nói khách hàng là người chủ động đòi hỏi, đàm phán để ngân hàng chi lãi suất vượt trần.
“Họ nhận tiền sai quy định mà không phải bồi hoàn thì không còn tính răn đe cho các khách hàng sau này. Theo bị cáo, những người hưởng lợi từ hành vi cố ý làm trái thì phải bồi hoàn lại cho Oceanbank” – bị cáo Thắm trình bày.
Kết thúc phần trình bày, bị cáo Thắm xin HĐXX chuyển đổi tội tham ô, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản sang tội Cố ý làm trái cho bị cáo. Nếu HĐXX thấy bị cáo vẫn phạm tội thì xin HĐXX xem xét tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, không kết tội chung thân.
Theo cáo buộc, Hà Văn Thắm là người đề ra chủ trương, chỉ đạo thực hiện việc chi lãi ngoài ở Oceanbank gây thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng cho ngân hàng. Việc này gây rối loạn an ninh tiền tệ, khiến Oceanbank bị mất kiểm soát, nợ xấu chiếm tới gần một nửa dư nợ toàn hệ thống. Cựu Chủ tịch Oceanbank còn bị kết luận giúp sức cho cựu TGĐ Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt 49 tỷ đồng của PVN và 197 tỷ đồng của Oceanbank, công ty BSC...
Cuối tháng 9/2017, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Thắm 19 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng,” 18 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng,” tù chung thân về tội “Tham ô tài sản,” 20 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.” Tổng hợp hình phạt chung, Hà Văn Thắm bị phạt tù chung thân về cả 4 tội danh; buộc phải bồi thường dân sự hơn 840 tỷ đồng./.
Đức Minh/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận