Vụ buôn bán thuốc ung thư giả của VN Pharma: Có bỏ lọt tội phạm?
Liên quan đến vụ việc, nhiều ý kiến dư luận vẫn hoài nghi, có hay chăng vẫn còn bỏ lọt tội phạm.
Liên quan đến vụ án buôn bán thuốc trị ung thư giả của Công ty cổ phần VN Pharma (Công ty VN Pharma) có trụ sở quận 10, TPHCM, ngày 6/5, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có Kết luận điều tra đề nghị truy tố 12 bị can với tội danh mới là:"Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh". Tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận vẫn hoài nghi, có hay không việc bỏ lọt tội phạm.
Theo kết luận điều tra mới nhất của Cơ quan an ninh điều tra - Bộ Công an thì Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm bị truy tố tội danh “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Trước đó, các bị can bị truy tố tội buôn lậu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sau kết luận điều tra bổ sung, dư luận cho rằng, liệu vụ án còn lọt người, lọt tội?.
Ông Phạm Thành Danh, người dân quận 7 bày tỏ, không chỉ 12 người vừa bị truy tố, còn những người có liên quan thiếu trách nhiệm thì thế nào? Họ đã trực tiếp, tiếp tay cho Công ty Pharma: “Trong đó, có cán bộ hải quan cho thông quan lô thuốc H-Capita kém chất lượng. Còn bà Tăng Thị Diệu Linh (cán bộ Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 - Công Pharbaco) và ông Đào Văn Đôn (Giảng viên Học viện Quân y) là những người đã giúp VN Pharma hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký thuốc…”
Hai trường hợp là Tăng Thị Diệu Linh (cán bộ Công ty Cổ phần dược phẩm Trung ương 1 - Pharbaco) và ông Đào Văn Đôn (Giảng viên Học viện Quân y), theo Cơ quan an ninh điều tra thì việc xác minh, làm rõ trách nhiệm những cá nhân này đến nay chưa đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, cần tiếp tục xem xét. Hiện đang được tách ra để xem xét xử lý sau vì thời hạn điều tra đã hết.
Trao đổi về vấn đề này, nhiều luật sư cho rằng, ở kết luận điều tra mới nhất, Cơ quan An ninh điều tra cũng đã làm rõ và không xem xét xử lý hình sự nhiều cá nhân. Do thời gian điều tra, nên cơ quan điều tra cũng đã tách ra một loạt cá nhân, đơn vị để tiếp tục xử lý và vụ án chưa kết thúc, nên con số 12 bị can chưa thể khẳng định đây sẽ là con số cuối cùng vào thời điểm này.
Ông Nguyễn Minh Châu, chuyên gia nghiên cứu pháp lý cho rằng: “Chính xác hồ sơ vụ án thể hiện còn xem xét trách nhiệm của cán bộ Cục quản lý dược Bộ Y tế và cán bộ hải quan…cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục xem xét điều tra, còn họ có tội hay không lại là vấn đề khác, còn chờ phần điều tra xử lý. Đến lúc đó thì mới xem xét có người lọt tội hay không. Vì vụ án đang được bóc tách ra để điều tra thì chưa thể nói có lọt người lọt tội được”.
Còn Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, trong quá trình xét xử thì hội đồng xét xử vẫn có thể đặt ra những vấn đề liên quan đến những người này để làm rõ bản chất sự việc. Nếu xét thấy cần làm rõ và khởi tố thì Hội đồng vẫn có thể buộc tiến hành điều tra bổ sung.
“Nếu như toà án xác định hết được những người liên quan phải chịu trách nhiệm hoặc không có liên quan ngoài 12 bị can đã nằm trong quyết định đã khởi tố thì lúc đó chúng ta mới biết được bản thân hồ sơ xử lý bao nhiêu người và có hay không việc bỏ lọt tội phạm trong vụ án này”- Luật sư Lê Trung Phát nói.
Theo quy trình tố tụng, sau khi kết thúc điều tra thì hồ sơ sẽ được chuyển sang Viện Kiểm sát để nghiên cứu. Nếu Viện Kiểm sát đồng quan điểm sẽ chuyển hồ sơ sang tòa án, còn nếu thấy lấn cấn trong quy trình buộc tội hoặc thấy còn có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm thì sẽ trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ./.
Vinh Quang/VOV-TPHCM
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận