Vì sao ma túy “nước biển” đáng sợ?
TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân cho biết, chất này nguy hiểm bởi sau khi uống thường bị kích thích, hưng phấn, không cảm nhận được những nguy hiểm nên rất dễ gây ra những tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông.
Ngày 24/5, khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy đã kịp thời cứu sống 1 trường hợp bị ngộ độc Gama Hydroxybutyrate - còn gọi là ma túy nước biển.
Trước đó, ngày 1/5, bệnh nhân K, sinh năm 1984, địa chỉ ở TP. Hồ Chí Minh cấp cứu vào BV Chợ Rẫy trong tình trạng lơ mơ, vật vã. Người nhà cho biết, tối 30/4, bệnh nhân cùng bạn đi nhậu và hòa chất kích thích có tên “ma túy nước biển” vào rượu để uống. Khi xuất hiện tình trạng lơ mơ, vật vã, kích thích, bệnh nhân được đưa bệnh viện địa phương.
Sau khi sử dụng ma túy nước biển, người dùng có thể bị ngưng hô hấp
Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy và được khoa Bệnh Nhiệt đới xử lý cấp cứu ngay lập tức. Ngoài bị kích thích vật vã, bệnh nhân còn có tăng men tim và tăng men cơ (biểu hiện của hủy cơ) rất cao, gây tổn thương nặng nề trên cơ tim và cơ vân. Hậu quả của tình trạng này là bệnh nhân bị suy thận nặng, ekip điều trị phải tiến hành lọc máu mới có thể cứu sống được.
Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện, hiện sức khỏe đã ổn định.
Người nhà cũng cho biết, trong số hai người bạn cùng uống chung với bệnh nhân thì có một người đã tử vong trong tư thế nằm gục trên xe máy, chưa rõ nguyên nhân. Người còn lại là người cung cấp chất kích thích cũng cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, sau khi nhập viện địa phương điều trị 1 ngày thì tình trạng ổn định và được xuất viện.
Vì sao ma túy “nước biển” đáng sợ?
Theo TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân – khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, ma túy nước biển là dạng ma túy lỏng, không màu, không mùi, vị hơi mặn. Tuy nhiên, vẫn có những dạng chế phẩm khác dưới dạng bột hoặc dưới dạng viên nén và viên nang. Chất này được một nhà hóa học người Nga giới thiệu lần đầu vào cuối thế kỉ 19.
Những năm đầu của thập niên 60 – 70 của thế kỉ 20, chất này được sử dụng để gây mê vì có khả năng ức chế thần kinh, tuy nhiên sau đó đã bị cấm vì thuốc có tác dụng phụ gây ngưng hô hấp, chỉ được khuyến cáo dùng ở một số nước Châu Âu, Hoa Kỳ cho các bệnh nhân có hội chứng cai như cai rượu hay cai thuốc phiện khác hoặc trong điều trị rối loạn giấc ngủ và phải có sự giám sát của bác sĩ.
Chất này trong y khoa có tên là Gama Hydroxybutyrate (viết tắt là GHP). Chính vì vậy, trong giới “ăn chơi” thường gọi tên tiếng lóng là “Vitamin G”.
TS-BS Nguyễn Thị Thủy Ngân cho biết, chất này nguy hiểm bởi sau khi uống thường bị kích thích, hưng phấn, không cảm nhận được những nguy hiểm nên rất dễ gây ra những tai nạn sinh hoạt hoặc tai nạn giao thông…Thực tế đã có những trường hợp sử dụng thuốc này dẫn đến hưng phấn, trèo trên cao rồi ngã xuống hoặc bỏng nặng.
Ma túy nước biển là 1 dạng ma túy lỏng, không màu, không mùi, vị hơi mặn
Nếu uống quá liều, người dùng có thể bị rơi vào hôn mê, ngủ sâu. Đã có những trường hợp ghi nhận là bệnh nhân bị “bỏ quên”, vì nghĩ rằng dùng thuốc xong chỉ ngủ thôi nhưng thực ra là người bệnh đã bị hôn mê, bị ngưng hô hấp, có thể tử vong. Điều này cũng có thể lý giải cho trường hợp 1 người trong nhóm bạn của bệnh nhân bị gục chết trên xe lúc về nhà mà không rõ nguyên nhân.
Với nguy cơ cao có thể bị lạm dụng và gây hại cho người dùng, “ma túy nước biển” (hay GHB) được lực lượng phòng chống ma túy của Mỹ (Drug Enforcement Administration US, viết tắt DEA US ) xếp vào danh mục I của nhóm thuốc cần kiểm soát chặt chẽ (Schedule I)./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận