Tranh chấp thừa kế: Đừng để tình thân bị thay thế bằng thù hận
Thừa kế tài sản theo di chúc vừa là vấn đề văn hóa, vừa mang yếu tố kinh tế - xã hội nhưng cũng rất phức tạp về mặt pháp lý. Nếu không theo quy định của pháp luật thì mối quan hệ anh, chị, em có thể rơi vào cảnh lôi nhau ra tòa phân xử, mất hết tình cảm, thậm chí gây ra thù hằn.
Các vấn đề tranh chấp tài sản thừa kế theo di chúc mà văn phòng của chúng tôi nhận được, chủ yếu là việc tranh chấp tài sản theo di chúc nằm ở trường hợp tranh chấp tài sản khi có di chúc nhưng di chúc phân chia không thỏa đáng hoặc những người không được chia tài sản theo di chúc không chấp nhận di chúc đó. Cụ thể như trường hợp của anh Nguyễn Văn Khải ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Nhà anh Khải có 6 anh chị em. Mẹ anh Khải mất năm 1993, không để lại di chúc. Tháng 6-2024, bố anh Khải mất và có để lại di chúc bằng miệng ngôi nhà và thửa đất 50m2 cho anh Khải được quyền thừa kế. Tuy nhiên có 2 anh chị của anh Khải không đồng ý với bản di chúc đó và yêu cầu chia đều cho 6 anh chị em. 2 người này đã thuê người đến xây chặn 1/3 ngôi nhà. Anh Khải đã tìm đến tôi nhờ tư vấn.

Theo quy định của pháp luật hiện nay, nhà đất này sẽ là tài sản chung của bố mẹ anh Khải. Mẹ anh Khải đã mất từ năm 1993, đến thời điểm hiện nay khi các con yêu cầu chia, một nửa phần tài sản của mẹ anh Khải đã hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế. Tại Điều 623, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định thời hiệu để khởi kiện yêu cầu đối với bất động sản là 30 năm từ thời điểm mở thừa kế. Xét đến thời điểm này là đã hết thời hiệu khởi kiện, các con không có quyền yêu cầu chia tài sản theo quy định của pháp luật nữa. Trường hợp của bà không để lại di chúc nên cũng không thể chia theo di chúc được. Một nửa tài sản của bố anh Khải để lại, năm 2024, ông mất và có để lại di chúc bằng miệng. Tuy nhiên, di chúc của bố anh Khải lại không hợp pháp, nguyên nhân là do di chúc bằng miệng phải có ít nhất 2 người làm chứng và những người làm chứng phải ghi lại, ký điểm chỉ và công chứng.
Vì vậy, chúng ta lại phải chia tài sản theo pháp luật. Theo Điều 650, Bộ luật Dân sự năm 2015, khi người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì ngôi nhà và thửa đất này được chia đều cho 6 người con. Ở đây chỉ có tranh chấp 2 trong 6 người con, 4 người còn lại nếu họ công nhận di chúc của bố thì họ có thể nhượng lại quyền thừa kế của mình cho anh Khải và 2 người kia sẽ nhận được phần của mình. Sau khi nghe tôi giải thích, vợ chồng anh Khải cho biết: "Trong ngày giỗ đầu bố tới đây, tôi sẽ mời các anh chị họp bàn để xác định rõ khối di sản thừa kế, việc quản lý và lập thành văn bản theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện công khai, minh bạch việc này để tránh nảy sinh tranh chấp trong việc quản lý, phân chia di sản".
Qua trường hợp anh Khải, có thể thấy rằng trong thừa kế có nhiều khía cạnh xử lý khác nhau trong việc chia tài sản theo thừa kế, vậy mỗi người cần phải làm như thế nào để gia đình mình không gặp phải vấn đề tranh chấp tài sản. Có những quy định rất cụ thể về nguyên tắc bảo đảm việc thừa kế được công bằng, chính xác, đúng pháp luật, ví dụ như tôn trọng ý chí của người để lại di sản, không phân biệt đối tượng được hưởng thừa kế là trai hay gái. Điều tốt nhất là nên lập di chúc trước khi qua đời. Theo quy định hiện nay, di chúc bằng văn bản có hiệu lực và di chúc bằng miệng cũng có hiệu lực. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, nên lập di chúc bằng văn bản, có công chứng tại xã, phường hoặc văn phòng công chứng tư nhân. Để di chúc bằng miệng hợp pháp, những người chứng kiến nghe xong phải lập thành văn bản, ký điểm chỉ và mang đi ký công chứng trong vòng 5 ngày sau khi lập di chúc. Để bản di chúc hợp pháp, các bạn nên tham khảo Chương 22, Bộ luật Dân sự năm 2015, từ Điều 624 đến Điều 648 quy định cụ thể tất cả về nội dung, hình thức, điều kiện có hiệu lực của di chúc.
Những người được hưởng thừa kế cũng cần tôn trọng ý nguyện của cha mẹ, của người để lại di sản, không nên vì chuyện được nhiều, được ít để xảy ra tranh chấp, nồi da nấu thịt như những vụ án hình sự xảy ra trong thời gian qua.
Luật sư TRẦN HỒNG TÌNH (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Theo https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/tranh-chap-thua-ke-dung-de-tinh...
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận