Tấn công mạng Báo Điện tử VOV: Không thể ngang nhiên thách thức luật pháp
Ngang nhiên tấn công một cơ quan báo chí trực thuộc Chính phủ, rõ ràng, các đối tượng này đang muốn thách thức dư luận, thách thức luật pháp.
Mới đây, Báo Điện tử VOV (thuộc Đài TNVN) đã đăng hai bài viết về hiện tượng lợi dụng mạng xã hội để phát ngôn lệch chuẩn, công kích và xúc phạm đến cá nhân, tổ chức, gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Hai bài viết nêu trường hợp cụ thể là việc livestream của nữ doanh nhân Nguyễn Phương Hằng (vợ ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam). Hai bài viết đăng ngày 12/6 gồm: “Không thể cho mình quyền xúc phạm bất kỳ ai trên mạng” và “Bà Phương Hằng với các livestream lệch chuẩn: Đã đến lúc cần xử lý nghiêm”.
Loạt bài viết ghi chép khách quan ý kiến của các chuyên gia, không chụp mũ hay thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả, tòa soạn. Trong 2 bài viết, các chuyên gia là chính khách, luật sư, nhà báo... nêu quan điểm: Cá nhân có quyền tự do ngôn luận nhưng phải thực hiện quyền đó trong khuôn khổ pháp luật. Không thể lợi dụng mạng xã hội, livestream để xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác. Vấn đề này đã được luật hóa và thể hiện trong Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015 và một số văn bản khác.
Trước đó vào ngày 28/5, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Trong văn bản đề nghị xử lý các đối tượng lợi dụng livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi đăng tải 2 bài viết, một số đối tượng đã có hành vi kích động, tạo các tài khoản ảo để tấn công nhiều nền tảng của Báo Điện tử VOV (VOV.VN). Trong đó đỉnh điểm là việc tấn công DDOS (từ chối dịch vụ) nhắm vào Báo điện tử VOV trong ngày 13/6; tấn công Fanpage của của báo; gửi thư, gọi điện xúc phạm đến các nhân vật đã trả lời phỏng vấn; khủng bố phóng viên viết bài bằng những tin nhắn đe dọa, thóa mạ...
Thậm chí, trên trang Facebook của tài khoản N.H.K xuất hiện bài viết hướng dẫn cách để tấn công vào các phương tiện của VOV và kêu gọi cư dân mạng dùng những cách này để tấn công, với những nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật rất rõ ràng.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN về vấn đề này, Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) cho biết: “Những hành vi tấn công trên không gian mạng kể trên đương nhiên là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là một loại tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Tấn công DDos là loại tấn công làm nghẽn mạng, hạn chế truy cập. Phương thức tấn công này thường gặp trong thời gian gần đây để tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, khiến họ không thể truy cập vào trang. Khi đó những doanh nghiệp phải trả tiền cho hacker thì mới được gỡ bỏ tấn công”.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, trong quá trình công tác chưa từng gặp phải trường hợp tấn công DDos đối với một cơ quan báo chí chính thống. “Đây là một dạng tội phạm công nghệ cao, cần được trình báo đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật” – Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP Luật sư Tinh Thông luật nêu ý kiến: “VOV là một Đài phát thanh quốc gia. Việc các đối tượng kêu gọi tấn công VOV thể hiện sự xem thường pháp luật và xem thường Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Do đó, theo tôi cần phải xử lý nghiêm và cần điều tra xem có mục đích lợi dụng sự kiện này để chống phá Nhà nước hay không và ai là kẻ đứng sau lưng.”
Theo luật sư Diệp Năng Bình, những hành động của các đối tượng có dấu hiệu rất rõ của hành vi Tấn công mạng theo Điều 19 luật An ninh mạng năm 2018.
“Dựa trên quy định của pháp luật, Tấn công mạng là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin hoặc phương tiện điện tử để phá hoại, gây gián đoạn hoạt động của mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử. Tùy vào tính chất, mức độ mà các đối tượng sẽ bị xử lý hành chính, xử lý hình sự theo quy định.” – Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Báo Điện tử VOV là một tờ báo điện tử lớn, trực thuộc Đài TNVN (VOV), ra đời chỉ 2 năm sau khi Internet xuất hiện ở Việt Nam (ra đời ngày 3/2/1999). Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 22/4/2021, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi và chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Thông tấn xã Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Xuyên suốt quá trình 76 năm hoạt động, VOV luôn tuyên truyền theo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phục vụ công chúng trên tinh thần trách nhiệm, xây dựng, vì mục tiêu chung.
Hiện tại, Báo Điện tử VOV đã có công văn khẩn gửi các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp xử lý nghiêm vụ việc, như gửi công văn đến Bộ Công an đề nghị truy tìm thủ phạm. Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo Viettel và VNPT gấp rút xử lý vấn đề này. Sáng 14/6, xác nhận với phóng viên Báo điện tử VOV, một lãnh đạo của Cục an ninh mạng và tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, đơn vị đã nhận được công văn của VOV và các đơn vị nghiệp vụ đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ việc này.
Ngang nhiên tấn công một cơ quan báo chí trực thuộc Chính phủ, rõ ràng, các đối tượng trên đang muốn thách thức dư luận, thách thức pháp luật. Báo Điện tử VOV chưa kết luận ai là thủ phạm hay đứng sau vụ tấn công mạng này, rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc để giải quyết nghiêm minh vụ việc./.
Xuân Lộ/VOV.VN ( Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận