Sẽ hạn chế việc quay clip, chụp ảnh giám sát CGST làm nhiệm vụ?
Dự thảo Thông tư mới của Bộ Công an có hạn chế “quyền giám sát” của người dân khi quay clip, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ?
Vừa qua, Bộ Công an lấy ý kiến người dân về Dự thảo lần 2 “Thông tư quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” thay thế cho Thông tư 54 của Bộ Công an ban hành từ năm 2009.
Trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất nhân dân chỉ được giám sát công an trong chấp hành điều lệnh, thái độ, tác phong; cách xử lý có khách quan, đúng pháp luật hay không khi làm nhiệm vụ. Việc giám sát được thực hiện qua thông tin công khai của công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với công an nhân dân.
So với Thông tư 54 năm 2009 của Bộ Công an quy định về việc thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, dự thảo này đã bỏ hình thức giám sát của người dân qua việc quan sát, phát hiện hoạt động của cán bộ chiến sĩ công an nhân dân khi làm nhiệm vụ ở trụ sở, nơi làm việc hoặc trên các tuyến đường hay trên các phương tiện giao thông.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu dự thảo được thông qua thì người dân có được quay clip, chụp ảnh để giám sát cán bộ chiến sĩ công an nhân dân, đặc biệt là cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ hay không?.
Luật sư Phạm Thị Thu – Giám đốc Công ty Luật Số 1 Hà Nội cho biết: “Việc quay phim, ghi âm, chụp ảnh của người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ là một trong những quyền cơ bản của công dân khi quyền này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Theo dự thảo mới của Bộ Công an, quy định này có thể hạn chế quyền của người dân đối với việc giám sát lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, theo Quyết định số 160 năm 2004 quy định về việc xác định các khu vực cấm, địa điểm cấm cũng không đề cập đến việc ngăn cản hay cấm người dân, mà chỉ quy định một số khu vực thuộc an ninh quốc phòng là hạn chế người dân quay phim, chụp ảnh”, luật sư Thu nêu quan điểm.
Thực tế cho thấy, hiện tượng một số người dân sau khi ghi hình ảnh cảnh sát giao thông tác nghiệp rồi biên tập, đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ quá trình tác nghiệp của các cán bộ đang làm nhiệm vụ chỉ là cá biệt. Nhưng không thể phủ nhận hiệu quả nhất định trong việc giám sát bằng hình thức quay phim, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình hoạt động của cán bộ chiến sĩ công an khi làm nhiệm vụ của người dân.
Luật sư Phạm Thị Thu cho rằng: “Việc người dân thực hiện quyền giám sát là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả nhất định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng chức năng. Đây là một trong những công việc mà chúng tôi cho rằng phù hợp với quy định của pháp luật và tăng thêm khả năng giám sát đối với những cán bộ có hành vi làm sai. Trong trường hợp mà người dân cố ý quay phim, chụp ảnh, ghi hình, đưa ra các thông tin phiến diện hoặc tuyên truyền, phát tán trên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ mà người dân phải chịu trách nhiệm theo Luật an ninh mạng cũng như xử phạt vi phạm hành chính hay pháp luật hình sự. Việc người dân chụp ảnh để sử dụng làm bằng chứng tố cáo những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm là một trong những quyền cơ bản của công dân nhằm chống sự lạm quyền của các cá nhân đang thực hiện công vụ đó”.
Vấn đề mấu chốt không phải nằm ở người dân mà nằm ở lực lượng chức năng. Nếu nghiệp vụ giỏi, tuân thủ pháp luật thì không ngại việc bị ghi âm, ghi hình. Khi gặp những đối tượng có hành vi gây rối, trước hết lực lượng chức năng phải bình tĩnh, giữ đúng tư thế tác phong, điều lệnh công an nhân dân, tránh để các đối tượng lợi dụng kích động.
Cử nhân Luật học Nguyễn Thanh Tùng đưa ra ý kiến: “Qua nhiều lần các clip được đưa lên thì thái độ của các chiến sĩ công an đối với người dân cũng tốt hơn, nhã nhặn hơn, nhẹ nhàng, rõ ràng hơn. Đó là mặt tích cực của quy định được phép ghi âm, ghi hình. Tất nhiên, để làm được đúng thì các cán bộ chiến sĩ công an làm việc công minh, nghiêm túc, đồng thời kiểm soát và nâng cao ý thức của người dân để tránh những trường hợp lợi dụng những hình ảnh đó để bôi xấu. Giải pháp nữa, cá nhân tôi nghĩ rằng, bản thân ngành công an có những hình ảnh đẹp mà chúng ta cũng cần phải quảng bá để tránh những ý nghĩ xấu, tăng niềm tin của nhân dân hơn”./.
PV/VOV2
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận