Quá trình tố tụng kỳ lạ trong vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ
Mọi hoạt động tố tụng hình sự buộc phải thực hiện theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự, tuy nhiên, quá trình tố tụng vụ án chìm ca nô ở Cần Giờ tạo nên một quy trình kỳ lạ không giống ai (?!)
Vụ án chìm ca nô ở huyện Cần Giờ, TP HCM xảy ra ngày 2/8/2013. Một vụ án tai nạn giao thông kỳ lạ trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam, không chỉ về thời gian giải quyết vụ án (đến nay đã kéo dài hơn 5 năm), mà còn kỳ lạ trong quá trình hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra (CQĐT), Viện Kiểm sát ở TP HCM.
Theo đó, ngày 2/8/2013, xảy ra vụ tai nạn giao thông đường thủy không may mắn tại Cần Giờ, hậu quả 9 người chết trong đó có thuyền trưởng lái tàu bị tai nạn BP12-04-02.
Sau khi tai nạn xảy ra, các cơ quan chuyên môn, cơ quan tố tụng đã xác định được chủ phương tiện, cơ quan đăng kiểm phương tiện và nguyên nhân tai nạn.
Theo đó, tàu bị tai nạn BP12-04-02 là tài sản của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và đang được Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vững Tàu quản lý.
Tàu BP12-04-02 đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.
Nguyên nhân tai nạn được cơ quan chuyên môn xác định: Do tàu BP 12-04-02 chở quá số lượng người cho phép, hành trình ra vùng không được phép hoạt động và việc điều khiển phương tiện không phù hợp….
Những quyết định tố tụng kỳ lạ
Ngày 4/9/2013, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can, bắt tạm giam ông Vũ Văn Đảo và ông Đinh Văn Quyết về tội: “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn”.
Theo điều 126, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, cơ quan điều tra phải gửi quyết định đến Viện Kiểm sát cùng cấp để xem xét phê chuẩn.
Trong thời hạn 3 ngày, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định phê chuẩn ngay cho cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, ngày 23/10/2013 (tức là 49 ngày sau khi khởi tố bị can), VKSND TP HCM mới ký quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.
Ngày 4/9/2014, là thời hạn phải kết thúc điều tra vụ án theo quyết định gia hạn số 83/GHĐT-1A ngày 29/4/2014 của VKSND TP HCM nhưng CQĐT vẫn không thể ra Bản kết luận điều tra chứng minh tội phạm.
Theo khoản 6, điều 119, Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2003 quy định, khi hết thời hạn gia hạn điều tra mà không chứng minh được tội phạm, CQĐT phải ra quyết định đình chỉ điều tra.
Nhưng đến ngày 12/9/2014, CQĐT mới ra Bản kết luận điều tra khi đã hết thời hạn điều tra.
Ngày 17/10/2014, VKSND TP HCM ban hành Cáo trạng truy tố hai bị can. Ngày 27/4/2015, sau thời gian nghiên cứu hồ sơ, TAND TP HCM đã ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung lần thứ nhất.
Sau khi VKSND TP HCM có công văn trả lời quyết định trả hồ sơ lần một, ngày 17/7/2015, TAND TP HCM tiếp tục ra quyết định trả hồ sơ lần thứ hai.
Nguyên nhân trả hồ sơ do Tòa nhận thấy, giữa hậu quả của vụ án và việc truy tố hai bị can Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết tội “Đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” chẳng có mối quan hệ nhân quả- hậu quả nào.
Ngày 28/8/2015, khi hết thời hạn điều tra bổ sung 1 tháng, CQĐT ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do chờ kết luận giám định.
Sau 3 năm, thực hiện 3 lần giám định, đầu tháng 6/2018, CQĐT quyết định phục hồi điều tra vụ án.
Ngày 30/8/2018, CQĐT ban hành Kết luận điều tra bổ sung. Ngày 28/9/2018, VKSND TP HCM ra Cáo trạng tiếp tục truy tố các bị can.
Điều 1, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định, về trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng… nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Trong nguyên tắc cơ bản hoạt hoạt động tố tụng, điều 3, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2003 quy định: “Mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tố tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của bộ luật này”.
Như vậy, soi chiếu với Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2003 và Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 cho thấy, các hoạt động tố tụng của vụ án này gần như không thực hiện theo quy định của luật.
Tại sao lại có sự kỳ lạ như vậy trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng ở TP HCM trong vụ án Chìm ca nô ở huyện Cần Giờ. Nó có liên quan gì đến việc xoay chiều liên tục hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự bị can trong vụ án?
Trước đó, cơ quan điều tra xác định bị can có hành vi điều động ca nô không đảm bảo an toàn.
Khi ra kết luận điều tra và cáo trạng lần thứ nhất, hành vi của bị can lại là “đưa công nghệ vật liệu mới PPC (Polypropylen copolymer) vào sản xuất tàu thuyền tại Việt Nam khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép”. Và quan điểm của cơ quan điều tra, VKS không được TAND TP HCM chấp nhận.
Và sau thời gian tạm đình chỉ, rồi phục hồi điều tra vụ án, CQĐT quay lại truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi điều động ca nô.
Với sự kỳ lạ trong hoạt động tố tụng, sự lúng túng trong xác định hành vi truy cứu hình sự bị can làm một vụ tai nạn giao thông đường thủy kéo dài hơn 5 năm. Sự bất bình thường trong quá trình tố tụng này phải chăng là để quy buộc đến cùng người không có hành vi phạm tội hình sự (?!).
Sự bất ổn này cho thấy, vụ án có dấu hiệu oan sai như lời kêu cứu khẩn thiết của ông Vũ Văn Đảo và Đinh Văn Quyết./.
Việt Đức/VOV.VN
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận