Nhiều người "sập bẫy" lừa đảo, mất tiền tỷ qua sàn giao dịch tiền ảo
Tại Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, công an đã nhận hơn 30 đơn trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các sàn giao dịch tiền ảo.
Mặc dù nhiều đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch tiền ảo đã bị lực lượng công an liên tiếp đánh sập, tuy nhiên, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.
Tại địa bàn Quảng Ninh, chỉ tính từ tháng 5/2020 - 5/2021, công an đã tiếp nhận xử lý 114 vụ, với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 83 tỷ đồng.
Thời gian gần đây, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Ninh liên tiếp nhận được trình báo của người dân bị chiếm đoạt lừa mất tiền khi tham gia đầu tư các sàn giao dịch tiền ảo.
Các đối tượng tạo dựng các website đầu tư tài chính như: Busstrade.com; Bigbuy24h; Bimono; Coolcat… giới thiệu, mời chào, lôi kéo người dân tham gia với những hứa hẹn lợi nhuận cao, hoa hồng hấp dẫn.
Người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để quy đổi thành tiền “ảo”, đến khi số lượng người tham gia nhất định, website các sàn này bất ngờ dừng hoạt động, còn người tham gia thì mất trắng số tiền đã đầu tư.
Anh Nguyễn Văn Trung, trú tại TP Hạ Long, một trong những người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức này cho biết, khi mới tham gia anh nạp tiền ít và cũng cảnh giác, nhưng sau đó mọi người xung quanh khoe lãi cao, thấy tiền lên cao nên ham. Người giới thiệu cam kết không lỗ nên anh Trung đầu tư nhiều hơn, tuy nhiên chỉ một thời gian sau đó sàn sập và không liên lạc được.
Theo cơ quan công an, các chiêu trò lừa đảo của các sàn tiền ảo là vấn đề không mới, song luôn nóng. Bởi các đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng tham của các nhà đầu tư bằng các chiêu trò quảng cáo như lợi nhuận 3% mỗi giây, 360% một năm.
Ngoài hứa hẹn lãi khủng, các sàn này cũng đưa ra chế độ hoa hồng từ 5-10% cho người chơi mời gọi được thêm các nhà đầu tư mới. Vì vậy mà số người tham gia các sàn giao dịch tiền ảo rất đông, lên đến hàng nghìn người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Chỉ riêng ở Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, công an đã nhận được hơn 30 đơn trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các sàn giao dịch tiền ảo.
Theo Thiếu tá Nguyễn Trọng Hà - Trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Quảng Ninh), có một đặc trưng là các đối tượng đưa ra chiêu thức đầu tư rất đơn giản. Nhà đầu tư không cần nghiên cứu vẫn có thể dễ dàng thấy lợi nhuận tăng theo giờ, theo ngày. Khi các đối tượng thu hút được một số lượng tiền nhất định của các nhà đầu tư thì sẽ đánh sập trang.
Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Pháp luật không bảo vệ các rủi ro khi tham gia sàn tiền ảo trái phép. Không ít bị hại khi tới cơ quan công an trình báo cho biết, nhận thức được rủi ro khi tham gia các sàn giao dịch tiền ảo và dự định sẽ rút đầu tư “ăn non” trước khi sàn sập.
Tuy nhiên, thực tế hầu hết các nhà đầu tư tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo đều trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo và số tiền đầu tư của họ cũng không biết bao giờ mới có thể thu hồi được, do hầu hết các máy chủ các website sàn giao dịch tiền ảo trái phép đều đặt ở nước ngoài./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận