Nhận diện thủ đoạn giả nhân viên ngân hàng lừa đảo tài sản
Trên thực tế, hình thức lừa đảo này không mới và các ngân hàng cũng như chuyên gia bảo mật cảnh báo nhiều lần, song vẫn có nhiều người mắc phải...
Thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tục phát đi các cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng nhưng con số nạn nhân vẫn không ngừng tăng. Nguyên nhân chính là do khách hàng thiếu cảnh giác, cộng với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi.
Thời gian qua, nhiều ngân hàng liên tục phát đi các cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng nhưng con số nạn nhân vẫn không ngừng tăng. Nguyên nhân chính là do khách hàng thiếu cảnh giác, cộng với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi.
Thủ đoạn tinh vi
Đầu tháng 3/2021, Công an quận Đống Đa, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của một người phụ nữ trú tại địa bàn quận, về việc chị bị các đối tượng chiếm đoạt 200 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Trước đó, trong quá trình thao tác trên ứng dụng của ngân hàng T., chị này đã chuyển nhầm 23 triệu đồng cho một tài khoản khác. Sau đó, chị có lên mạng đăng bài viết nhờ bạn bè giúp đỡ.
Lúc sau, chị này liên hệ với tổng đài của Ngân hàng T., báo việc chuyển nhầm tiền và được ngân hàng chuyển lại số tiền gửi nhầm sau 15 phút.
Sự việc không dừng lại ở đó, đến sáng hôm sau, chị nhận được một cuộc gọi nói là nhân viên ngân hàng, yêu cầu chị xác nhận đã nhận lại được tiền. Không mảy may suy nghĩ, chị đăng nhập vào đường link mà nhóm người này gửi, sau đó đọc mã OTP cho đối tượng để hoàn tất thủ tục. Ngay sau đó, chị tá hỏa khi phát hiện tài khoản ngân hàng “bay” mất 200 triệu đồng.
Theo Trung tá Phan Anh Tú, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Đống Đa, thủ đoạn của đối tượng không mới, nhưng do cả tin nên nhiều người dân vẫn “sập bẫy”. Trong vụ án này, các đối tượng giỏi về công nghệ thông tin, am hiểu các bước trong giao dịch ngân hàng, có "kinh nghiệm" trong việc lừa đảo. Chúng nắm bắt được tâm lý của người bị hại nên đã “đánh trúng” khiến nạn nhân sập bẫy nhanh chóng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, ổ nhóm này rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Chúng sử dụng hàng trăm sim rác để qua mặt cơ quan chức năng.
Để có được thông tin khách hàng, các đối tượng lừa đảo lập một danh sách những người mà chúng có được thông tin tài khoản. Những thông tin này có thể lộ từ nhiều nguồn như mua bán online, bị đánh cắp qua các trang web giả mạo hay những người bán hành online đăng toàn bộ thông tin, số tài khoản trên mạng xã hội. Những thông tin này sẽ được chúng sử dụng để lấy niềm tin của nạn nhân. Tiếp theo, sẽ xây dựng kịch bản người dùng hay gặp phải như chuyển tiền đi, hoặc có người chuyển tiền đến, giao dịch bị lỗi,…Sau đó chúng gọi điện giả mạo nhân viên ngân hàng để khắc phục.
Theo cảnh báo của các ngân hàng, những cuộc gọi, tin nhắn với nội dung: khách hàng đang gặp trục trặc khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, hỏi để xác minh giao dịch khách hàng vừa mới thực hiện, thông báo cho khách hàng về việc tra soát giao dịch ngân hàng; lộ thông tin thẻ…Cùng với đó là yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng số và dịch vụ thẻ (tên đăng nhập, số thẻ, mật khẩu, mã OTP). Mục đích của kẻ gian nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng. Do đó, để tránh mất tiền oan, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các tin nhắn, email có gắn link yêu cầu khách hàng cung cấp hoặc nhập mã đăng nhập, mật khẩu, OTP.
Để tránh mất tiền oan, các ngân hàng khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không truy cập vào các tin nhắn,
Nếu có dấu hiệu bất thường, báo ngay cho cơ quan chức năng
Theo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, lĩnh vực tài chính ngân hàng trong thời gian qua còn tồn tại nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa khắc phục và chưa giải quyết kịp thời. Để ngăn ngừa các hoạt động tội phạm tinh vi này, các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán một mặt đầu tư mạnh mẽ các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, mặt khác cũng rất cần nâng cao cảnh giác, nâng cao hiểu biết từ phía khách hàng về bảo mật thông tin.
Về vấn đề này, trao đổi với PV VOV.VN, PGS, TS, Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn, chuyên gia tâm lý tội phạm cho biết, các đối tượng lừa đảo thường lập thành một nhóm từ 2 đến 4 người, đóng giả các vai trò khác nhau trong tổ chức tín dụng, ngân hàng, đưa ra các thông tin giả mạo một cách tinh vi khiến nạn nhân rất khó kiểm chứng và tin tưởng đó là những cán bộ của một tổ chức tín dụng hay ngân hàng một cách thực thụ.
Về giao dịch, vị chuyên gia này chia sẻ, các đối tượng có thể sử dụng đồng thời nhiều hình thức khác nhau như trao đổi qua điện thoại, qua mạng xã hội hoặc trực tiếp gặp gỡ trao đổi với nạn nhân. Trong những trường hợp trực tiếp gặp nạn nhân, các đối tượng thường có trang phục giống như nhân viên ngân hàng và thường có từ 2 đối tượng trở lên. Các giấy tờ liên quan đến hành vi lừa đảo cũng được các đối tượng chuẩn bị kỹ lưỡng khiến nạn nhân không thể nghi ngờ.
Trong một số trường hợp như lừa mua lại tài sản thế chấp, có thể các đối tượng còn đưa nạn nhân đến một địa chỉ đã được tạo dựng sẵn làm cho nạn nhân tin là có thật để rồi dễ dàng tham gia vào “ma trận” do chúng bày ra và khi chúng đã chiếm đoạt được tài sản thì nạn nhân mới biết đó chỉ là “hồ sơ ma”, “tài sản ma”…Một số đối tượng còn đưa ra các thông tin giả mạo về chính sách mới của ngân hàng rất hấp dẫn nạn nhân như lãi suất tiền gửi; cho vay ưu đãi trong đầu tư bất động sản, mua sắm tiêu dùng; các giải thưởng “khủng”; các dịch vụ về chuyển tiền, rút tiền để dụ dỗ, lôi kéo, lừa mị khách hàng…
Trong khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ cùng với các dịch vụ liên quan đến lĩnh vực ngân hàng ngày càng phong phú, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân thì thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực này cũng ngày càng tinh vi và thường xuyên thay đổi. Vì vậy, theo Đại tá Nguyễn Cảnh Thìn, mỗi người cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra mọi thông tin liên quan đến các giao dịch ngân hàng; các thông tin cần phải được kiểm chứng bằng những nguồn chính thống; thận trọng trước khi chuyển tiền hoặc tài sản cho người khác một khi chưa biết chắc chắn giao dịch đó có đúng đắn hay không. Trong mọi trường hợp có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho tổ chức tín dụng, ngân hàng có liên quan hoặc cơ quan bảo vệ pháp luật để ngăn chặn không để xảy ra hậu quả xấu./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận