Mức phạt nào cho việc đưa ảnh của người khác lên Facebook?
Đăng ảnh cũng phải xin phép không phải là quy định mới, chế tài cũng không mới nhưng mức chế tài xử phạt của Nghị định 15 có tăng so với trước đây.
Ngày 15/4/2020, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” chính thức có hiệu lực.
Trong số các lĩnh vực nêu trên thì xử phạt vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin được nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm hơn cả. Bởi, theo một số nguồn thông tin thì số người sử dụng internet ở Việt Nam tính đến tháng 1/2020 là khoảng 68,17 triệu người (chiếm tới 70% dân số Việt Nam). Trong đó số người sử dụng mạng xã hội có khoảng 65 triệu người.
Luật sư Đỗ Minh Hiển, văn phòng Luật sư JVN (đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) thông tin, căn cứ quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 102 Nghị định 15, thì hành vi : “e) Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật” sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Theo quy định này, thì “thông tin của tổ chức” bao gồm các thông tin thuộc về dữ liệu của tổ chức như: ngành nghề kinh doanh, các nội dung về tổ chức hoạt động của tổ chức. “Thông tin của cá nhân” bao gồm rất nhiều nội dung không chỉ là hình ảnh mà có thể là các thông tin khác như tình trạng sức khỏe, các mối quan hệ cá nhân, bí mật đời tư, sở thích cá nhân…
Theo luật sư Hiển, theo Nghị định này, hành vi vi phạm bao gồm hai hành vi: Thu thập, xử lý, sử dụng thông tin không được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân. Thu thập, xử lý, sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân tuy được sự đồng ý của tổ chức, cá nhân nhưng sử dụng sai mục đích đã thỏa thuận ban đầu.
Ví dụ, thỏa thuận sử dụng hình ảnh của cá nhân trong một bài viết trên báo chí và được sự đồng ý của người đó. Nhưng sau đó lại dùng hình ảnh đó sử dụng vào mục đích khác mà không thỏa thuận lại với cá nhân đó. Trong đó, việc sử dụng, chia sẻ hình ảnh, dữ liệu cá nhân của người khác là khá phổ biến trên mạng xã hội. Kể từ ngày 15/4/2020, hành vi này là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 15.
Về vấn đề khi nào hành vi vi phạm bị xử phạt, luật sư Đỗ Minh Hiển cho rằng, theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính thì hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện và xử lý kịp thời.
Như vậy, hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử lý khi bị phát hiện (có thể là người bị đưa hình ảnh trái pháp luật nên mạng xã hội phát hiện hoặc cơ quan quản lý phát hiện được trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện được hành vi vi phạm). Việc xử phạt không phụ thuộc vào việc tổ chức, cá nhân bị sử dụng hình ảnh, dữ liệu trái pháp luật có đơn đề nghị hay không? Và cơ quan xử phạt vi phạm hành chính có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm khi xử phạt vi phạm hành chính.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đăng ảnh cũng phải xin phép không phải là quy định mới, chế tài cũng không mới nhưng mức chế tài xử phạt có tăng so với trước đây và việc vi phạm quyền hình ảnh không chỉ bị xử phạt hành chính, có những trường hợp còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cùng với đó, không phải hình ảnh nào sử dụng cũng là trái phép, có những hình ảnh đã được công khai hoặc vì lợi ích quốc gia, an ninh quốc phòng,... thì bất cứ ai cũng được phép sử dụng. Và người bị xâm hại về hình ảnh cần phải yêu cầu người vi phạm gỡ bỏ, nếu không gỡ bỏ thì có quyền trình báo sự việc với các cơ quan chức năng để được xem xét xử lý, nếu gây thiệt hại thì có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo Luật sư Cường, về nguyên tắc pháp luật luôn bảo vệ quyền tự do nhân thân và quyền tự do và hình ảnh của công dân, pháp luật cũng quy định về cơ chế để thực hiện quyền và đảm bảo quyền khi quyền nhân thân này bị xâm hại theo điều 32 Bộ Luật dân sự năm 2015 và các thủ tục tố tụng dân sự, thủ tục tố cáo phải trình báo tố giác tội phạm.
Bởi vậy với những người có hành vi vi phạm pháp luật, có thể ảnh hưởng đến cộng đồng thì mọi người đều có quyền sử dụng hình ảnh của người đó để thực hiện hoạt động tố cáo, tố giác, cảnh báo với cộng đồng, với cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân mà với mục đích bôi nhọ, xúc phạm, làm nhục người khác thì không những chỉ xử phạt hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP còn mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, tội vu khống hoặc tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy (nếu như những bức ảnh, hình ảnh đó thể hiện nội dung đồi trụy). Tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể theo quy định tại điều 155 Bộ luật hình sự với mức phạt có thể lên đến 5 năm tù.
Còn đối với hành vi sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để đưa ra những thông tin rõ ràng là sai sự thật nhằm vu khống, xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác hoặc để tố cáo người khác với cơ quan chức năng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống tâm lý của người khác thì hành vi này có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 với mức phạt từ 3 đến 7 năm tù.
Như vậy, pháp luật quy định rất rõ về việc bảo vệ quyền hình ảnh cá nhân, trường hợp nào thì được phép sử dụng hình ảnh của cá nhân người khác phải trường hợp nào không được phép và quy định rất rõ các mức chế tài hành chính và chế tài hình sự. Việc sử dụng trái phép hình ảnh của người khác thì không thể chỉ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 15 với mức phạt đền đến 20.000.000 đồng mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân gây hậu quả nghiêm trọng./.
Nguyễn Hiền/VOV.VN( nguồn VOV)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận