Lừa đảo trực tuyến gia tăng - nguyên nhân và cách phòng tránh
Chỉ cần click vào các đường link được gửi tới, hoặc cài những ứng dụng không an toàn (mà các đối tượng lừa đảo hướng dẫn), người dân sẽ bị dẫn dụ đến những trang web lừa đảo, có thể chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, lấy tiền của người sử dụng.
Trong nhiều tuần trở lại đây, tại nhiều địa phương cả nước lại xảy ra các vụ lừa đảo bằng tên thương hiệu của các ngân hàng, hoặc các sàn thương mại điện tử, gửi tới điện thoại của người sử dụng theo các hình thức tin nhắn sms, tin nhắn trong các ứng dụng chat,… đã khiến không ít người bị lừa, mất tiền. Chỉ cần click vào các đường link được gửi tới, hoặc cài những ứng dụng không an toàn (mà các đối tượng lừa đảo hướng dẫn), thì sẽ bị dẫn dụ đến những trang web lừa đảo, có thể chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, lấy tiền của người sử dụng.
Muôn vạn cách thức để lừa đảo
Gần đây, các đối tượng lừa đảo luôn tìm mọi cách để gửi tới người sử dụng các thông tin lừa đảo được đính kèm theo tin nhắn điện thoại, tin nhắn trên zalo, viber, hoặc quảng cáo trên các mạng xã hội. Chưa kể, nếu người dùng cung cấp thông tin cá nhân khi tham gia các mạng xã hội hoặc đăng kí vay tiền trên các ứng dụng online, thì sau đó người sử dụng ứng dụng có thể gặp phải hàng loạt các rắc rối khác. Ví dụ như câu chuyện của anh Hoàng Văn Tùng, người từng vay tiền trên 1 ứng dụng trực tuyến với lãi và phí “cắt cổ”.
"Tôi vẫn liên tục nhận được các tin nhắn mà các bên ứng dụng người ta gửi đến, để hỗ trợ cho vay. Tôi cũng không phân biệt được đâu là tin nhắn thật, đâu là của bên tín dụng đen cả. Lần trước, tôi vay 10 triệu trong 2 tháng, thì trả mãi mới hết nợ, mà lãi của nó lên gấp đôi, gấp ba luôn, nên là giờ tôi cũng rất là sợ ứng dụng này".
Một trường hợp khác là câu chuyện của anh Đỗ Quốc Hùng, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội mua va-li trực tuyến. Đối tượng lừa đảo đã hack tài khoản facebook của người bán hàng, lừa anh Hùng chuyển trước 4 triệu đồng. Cứ nghĩ là người bán yêu cầu đặt cọc, nên anh yên tâm chuyển khoản. Sau đó, đối tượng lại nhắn tin chuyển thêm 20 triệu đồng nữa, thì anh mới biết là bị lừa.
"Nói hợp tình hợp lý với câu chuyện là tôi đang mua vali của chị ấy thì tôi không có một chút ngần ngại gì, tôi chuyển luôn, sau mấy phút nữa đối tượng lại nhắn tiếp: bây giờ chị có việc gấp quá chuyển cho chị 20 triệu nữa được không thì lúc ấy tự dưng bật ra ngay là mình bị lừa rồi"-anh Đỗ Quốc Hùng kể.
Trong nhiều trường hợp, tội phạm mạng tấn công các trang web bán hàng trực tuyến, để đánh cắp thông tin cá nhân của người sử dụng. Các đối tượng lừa đảo còn sử dụng công nghệ giấu số điện thoại, hoặc hiển thị số điện thoại giống như của các cơ quan chức năng, nhà mạng, ngân hàng… để lừa người dùng làm theo như chia sẻ của chị Nguyễn Khánh Ngọc (ở quận Tây Hồ, Hà Nội): "Tôi đã bị thông báo là cần nâng cấp sim điện thoại. Tôi đã gửi tin nhắn và làm theo hướng dẫn, nhưng mà sau đó thì tiền trong tài khoản ngân hàng của tôi bị trừ".
Chị Trần Thanh Hoa, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội lại chia sẻ câu chuyện thực tế của mình: "Đối tượng đã hack tài khoản của tôi và nhắn tin cho nhiều người thân, bạn bè, khiến nhiều người nhầm tưởng tôi thực sự cần tiền, tin tưởng và chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo".
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, cùng với việc hạn chế đăng thông tin cá nhân của mình trên các mạng xã hội, hạn chế cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng ứng dụng không đảm bảo an toàn, người sử dụng nếu phát hiện thông tin của mình đang bị sử dụng vào hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật, cần kịp thời trình báo cơ quan chức năng để xác minh, ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu bị các đối tượng lừa đảo, đòi nợ đe doạ, thì nên thực hiện theo lời khuyên của Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.
Hạn chế đăng thông tin cá nhân của mình trên các mạng xã hội
"Với công dân phát hiện các trường vi phạm, đối tượng lợi dụng thông tin tài sản cá nhân của mình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đề nghị người dân thông báo trực tiếp hoặc gián tiếp báo đến cơ quan công an, viết đơn tố cáo kèm theo các tài liệu liên quan để cơ quan chức năng của Công an tiếp nhận và xử lý vụ việc"- Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Trong bất cứ trường hợp nào, khi nhận được các cuộc gọi điện thoại hay nhắn tin qua chat, để hướng dẫn thực hiện các thao tác liên quan đến sim điện thoại, số tài khoản ngân hàng… thì người sử dụng không nên thực hiện theo, không click vào các đường link nếu nó được đính kèm trong tin nhắn. Khi nhận được tin nhắn thông báo trên các mạng xã hội, hoặc tin nhắn sms có thương hiệu của ngân hàng, người sử dụng cần phải cẩn trọng.
Nếu có bất cứ nghi ngờ nào, thì người sử dụng nên gọi điện đến đường dây nóng của ngân hàng đó. Tội phạm mạng đang có rất nhiều chiêu lừa đảo người sử dụng, trong đó chúng đặc biệt chú trọng tới việc lấy thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng. Đây là những thông tin quan trọng, mà tội phạm mạng thường sử dụng, để lừa đảo hoặc đe doạ người sử dụng.
Ông Nguyễn Minh Đức - Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần An toàn thông tin CyRadar cảnh báo, đối với người sử dụng khi chúng ta tiếp nhận bất cứ thông tin nào qua chat hay qua email thì chúng ta phải kiểm chứng lại xem cái đường link đấy họ gửi với ý đồ là gì? Trong quá trình sử dụng, thì người sử dụng cũng cần trang bị cho mình phần mềm phòng chống virus sẽ giúp chúng ta ngăn chặn tải các virus độc hại, vào các website độc hại, để tránh nguy cơ mất mát thông tin.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, người sử dụng có thể tự tra cứu thông tin về các trang web được gửi trong đường link đính kèm theo tin nhắn trên các mạng xã hội, hoặc tin nhắn sms, để tránh bị gặp phải những trang web mạo danh, lừa đảo. Cụ thể, người sử dụng có thể kiểm chứng thông tin thông qua trang web tinnhiemmang.vn. Người sử dụng có thể tham khảo các thông tin hướng dẫn trên trang web này, để nhận biết chi tiết về các dấu hiệu lừa đảo trên môi trường mạng hoặc gửi phản ánh về những nghi ngờ khi gặp phải các trang web có dấu hiệu lừa đảo.
Ông Phạm Thái Sơn, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, đối với một số tài khoản có vấn đề, nếu người dân có thể tìm thấy thì có các thông tin về số tài khoản, tên chủ tài khoản, tên ngân hàng và một số thông tin chi tiết về cảnh báo lừa đảo liên quan đến tài khoản đó. Người dùng có thể report thêm, hoặc chia sẻ thêm thông tin liên quan đến tài khoản đó mà họ biết.
Theo các chuyên gia công nghệ, tội phạm mạng sẽ xây dựng nhiều kịch bản khác nhau, thường là đánh vào lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin của người sử dụng. Tiếp đó, khi sử dụng công nghệ (thông qua ứng dụng, trang web giả mạo,..) thì đối tượng lừa đảo có thể ẩn giấu danh tính, nên thường tạo ra nhiều “bẫy lừa đảo” khác nhau. Nếu thường xuyên nhận được các cuộc gọi đe doạ, mạo danh cơ quan cảnh sát điều tra, nhân viên ngân hàng,.. tốt nhất là người sử dụng nên hẹn làm việc trực tiếp./.
Mai Hạnh/VOV1
(Nguồn VOV.VN)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận