Lập biên bản phụ huynh không cho con tiêm vaccine: Chưa đủ cơ sở
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, việc UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh không cho con tiêm vaccine Covid-19 là hoàn toàn chưa đủ cơ sở vì Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine.
Ngày 4/9, cổng thông tin điện tử Tp.Móng Cái (Quảng Ninh) thông tin, một phụ huynh ở TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh bị lập biên bản xử lý vi phạm hành chính do không cho con tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nội dung biên bản nêu rõ, ông K. (SN 1984, trú tại khu 2, phường Trần Phú) có hành vi vi phạm hành chính, không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Biên bản vi phạm hành chính do UBND phường Trần Phú, (TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) lập.
Trong văn bản, UBND phường Trần Phú yêu cầu gia đình ông K. đến Trung tâm y tế TP. Móng Cái để được tư vấn tiêm vaccine. Cụ thể, yêu cầu ông K. có mặt vào 9h ngày 6/9 tại trụ sở UBND phường Trần Phú để giải quyết vụ việc. Trong thời hạn không quá từ 2 đến 5 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản. Tuy nhiên, ông K. không ký biên bản vì lý do "tôi không vi phạm hành chính”.
Theo UBND phường Trần Phú, việc phường này lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh trên là căn cứ vào Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007 và một số quy định về xử phạt liên quan.
Cụ thể, tại Điều 9 liên quan đến Vi phạm quy định về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế có quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi sau: Không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch...
Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội Facebook và đã có nhiều luồng ý kiến tranh luận về tính pháp lý việc ra biên bản này của chính quyền địa phương.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, văn phòng Luật sư Kết nối cho rằng, về việc tiêm vaccine, hiện nay, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều 29 về sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc như sau: Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
“Căn cứ vào những quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Theo đó, danh mục bệnh truyền nhiễm và vaccine bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng bao gồm: Viêm gan B, Lao, Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Bệnh do Heamophilus Inffluenzae týp B, Sởi, Viêm não Nhật Bản, Rubella”-luật sư Hùng phân tích.
Do vậy, theo vị luật sư này, theo quy định trên, mặc dù Covid-19 là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc. Độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vaccine và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch. Với quy định hiện hành, tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ 5 - 12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.
Vì vậy, luật sư Hùng khẳng định, UBND phường Trần Phú lập biên bản vi phạm hành chính đối với phụ huynh không cho con tiêm vaccine Covid-19 là hoàn toàn chưa đủ cơ sở. Việc phường này căn cứ vào Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi sau: Không thực hiện hoặc cản trở trẻ em, phụ nữ có thai sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng. Không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vaccine, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch... là hoàn toàn không đủ cơ sở. Bởi Covid-19 hiện nay vẫn chưa được pháp luật quy định là bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine bắt buộc.
Theo luật sư Hùng, việc tiêm chủng vaccine là cần thiết để bảo vệ trẻ cũng như cộng đồng. Tuy nhiên trường hợp trẻ có các bệnh lý nền, tiền sử dị ứng,... thì cha mẹ, người giám hộ cần cho nhân viên y tế biết chính xác về các vấn đề này. Những điều này rất quan trọng để bác sĩ đưa ra các quyết định phù hợp trong việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ có thể là trì hoãn tiêm chủng nếu trẻ thuộc đối tượng cần phải trì hoãn việc tiêm vắc xin đến khi khỏi các bệnh lý nền./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận