Kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới
Thời gian gần đây tình trạng mua bán, vận chuyển lợn, các sản phẩm từ lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng diễn biến phức tạp.
Văn bản nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc thiếu hụt trầm trọng nên đã đẩy giá thịt lợn cao chưa từng có và nguồn cung trở nên khan hiếm. Điều này khiến các thương lái ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên sang Trung Quốc, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu thịt lợn bất hợp pháp sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, vì hiện nay hai nước vẫn chưa thông qua chương trình xuất khẩu chính ngạch thịt lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Bộ NN&PTNT đề nghị BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
BCĐ 389 cấp tỉnh tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam; chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp và các cơ quan truyền thông.
Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo QLTT từ Trung ương đến địa phương bố trí và phân công lực lượng để phối hợp với các địa phương và cơ quan liên quan tổ chức kiểm soát, phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam không qua kiểm dịch và không tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo BCĐ 389, các cơ quan liên quan và chính quyền các cấp tập trung tăng cường tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không bảo đảm an toàn dịch bệnh; chấm dứt ngay tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam.
Chỉ đạo BCĐ 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương; chỉ đạo công an, bộ đội biên phòng tổ chức theo dõi, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp tổ chức áp dụng các biện pháp triển khai phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của Luật Thú y.
Chỉ đạo lực lượng QLTT tại địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, các sản phẩm lợn ra, vào Việt Nam...
Lực lượng chức năng kiểm tra thịt lợn bán ở chợ dân sinh. Ảnh minh họa |
Tổng cục QLTT cũng vừa có công văn chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu.
Trong công văn này, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh nêu trên cần thực hiện nghiêm một số nhiệm vụ như sau: Tại khu vực biên giới các tỉnh, lực lượng QLTT chủ động xây dựng phương án phối hợp với bộ đội biên phòng, hải quan, công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại nói chung và buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu nói riêng.
Trong thị trường nội địa, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng thuộc sở nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Song song với đó, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và các tác hại, nguy cơ lây lan dịch bệnh của việc sử dụng, kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
BT(Trích nguồn Báo Chính phủ.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận