Hé lộ những đường dây xuất khẩu lao động bất hợp pháp ở Hà Tĩnh
Những người muốn xuất khẩu lao động bất hợp pháp không hiểu rằng, họ đang đánh cược mạng sống của mình với một hành trình đầy rẫy những rủi ro.
- 39 thi thể trong xe container tại Anh có thể là nạn nhân buôn người
- Tổng đài Bảo hộ công dân tiếp nhận thông tin 39 người chết trong container
Nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đang nín thở chờ đợi những hy vọng cuối cùng, rằng con em họ không có tên trong danh sách 39 nạn nhân tử vong trong container ở Anh. Địa phương này đã và đang tồn tại những đường dây đưa người đi nước ngoài lao động bất hợp pháp, nhưng các đối tượng hoạt động rất tinh vi.
Tại xã Thanh Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, căn nhà của ông Nguyễn Đình Gi (có con trai 20 tuổi đang bị mất liên lạc tại Anh) ai nấy đều lo lắng, đau buồn. Anh Nguyễn Hữu Hòa (con trai cả của gia đình) cho biết, trước khi sang Anh, em trai anh chỉ điện về và nói ngắn gọn, con đi gia đình cứ yên tâm, còn đi với ai, hết bao nhiêu tiền em không tiết lộ.
“Nó chỉ điện về nói với mẹ. Mẹ yên tâm, con đi an toàn, mẹ không phải lo, chỉ biết vậy thôi, khi nào con sang đến đó (nước Anh) mới nói chuyện đóng tiền bao nhiêu, chỉ biết vậy, không biết gì hơn”, anh Hòa cho biết.
Trước khi sang Anh, con trai ông Nguyễn Đình Gi đã có 1 hành trình từ Việt Nam đến Pháp từ cuối năm 2017. Lúc đó, em nhờ bố mẹ vay hơn 450 triệu đồng để qua Pháp làm việc, nhưng phải gần 1 năm sau gia đình mới nhận được tin em đã có mặt ở Pháp và đang làm việc tại một nhà hàng ăn uống.
Một số người dân địa phương tiết lộ rằng, những đường dây môi giới hoạt động hết sức kín đáo và tinh vi. Sau khi liên lạc và tập hợp được những người có nhu cầu “xuất ngoại” chúng chỉ liên hệ qua điện thoại và hẹn gặp tại các địa điểm theo quy định riêng, rất ít khi chúng xuất hiện. Và chúng chỉ nhận tiền môi giới sau khi người được chúng đưa đến các nước theo thỏa thuận với mức phí hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn A, một người đã có nhiều năm sinh sống, làm việc bất hợp pháp tại Châu Âu cho biết, nguyên nhân sâu xa là, hiện nay ở Hà Tĩnh rất đông người đi lao động ở nước ngoài, cả hợp pháp và bất hợp pháp, vì vậy người dân rất mơ hồ và suy nghĩ đơn giản rằng, đi nước ngoài dễ như trở bàn tay, chỉ cần có tiền là đi được. Hàng xóm, họ mạc đi được, mình cũng đi được. Họ quên mất rằng, đi lao động bất hợp pháp rất mạo hiểm và đầy rẫy rủi ro, thậm chí phải đánh cược cả mạng sống của mình.
“Đối tượng môi giới họ chỉ nói đi qua Bỉ, rồi qua Pháp… chứ họ không bao giờ nói đi bằng cách này cách kia. Họ chỉ hỏi đi đâu và họ đưa đến đó, rồi đến nước khác sẽ tiếp tục có người ở đó đưa đi tiếp, chính vì vậy những người đi không bao giờ ngờ được con đường đi lòng vòng, gian nan, mấy năm trước còn đi đường rừng”, anh Nguyễn Văn A nói.
Theo 1 thông tin mới nhất từ Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, qua công tác kiểm tra, cơ quan chức năng địa phương đã phát hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn không có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm nhưng vẫn tổ chức triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tiếp nhận hồ sơ đăng ký xuất khẩu lao động, tổ chức cung ứng lao động cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động./.
Sỹ Đức/VOV1
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận