Hành vi trộm cắp điện bị phạt tới 100 triệu đồng
Hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500 kWh đến dưới 20.000 kWh sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng. Đây là đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Dự thảo nêu rõ phạt tiền đối với hành vi trộm cắp điện dưới mọi hình thức như sau:
Phạt tiền từ 50-60 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 8.500 kWh đến dưới 11.000 kWh;
Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 11.000 kWh đến dưới 13.500 kWh;
Phạt tiền từ 70-80 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 13.500 kWh đến dưới 16.000 kWh;
Phạt tiền từ 80-90 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 16.000 kWh đến dưới 18.000 kWh;
Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với hành vi trộm cắp điện với số lượng từ 18.000 kWh đến dưới 20.000 kWh.
Vi phạm các quy định về mua, bán buôn điện bị phạt tới 200 triệu đồng
Theo dự thảo, phạt tiền Đơn vị điện lực từ 100-120 triệu đồng đối với hành vi mua, bán buôn điện mà hợp đồng mua, bán buôn điện không tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng mua, bán điện có thời hạn.
Phạt tiền Đơn vị bán buôn điện từ 120-140 triệu đồng đối với hành vi mua, bán điện với đơn vị không có Giấy phép hoạt động điện lực.
Phạt tiền Đơn vị bán buôn điện từ 140-200 triệu đồng đối với hành vi xuất, nhập khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính đối với hành vi xuất khẩu điện mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Bộ Công Thương cho biết, tại dự thảo Nghị định này, một số hành vi vi phạm hành chính của các Đơn vị điện lực được rà soát, bổ sung; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực (vi phạm về Giấy phép hoạt động điện lực; phát điện, truyền tải điện, phân phối, bán buôn, bán lẻ điện, thực hiện thị trường điện cạnh tranh, sử dụng điện, an toàn điện v.v..), quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy điện và quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được nghiên cứu điều chỉnh tăng để bảo đảm phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả của vi phạm hành chính, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong lĩnh vực tương ứng.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Khánh Linh( Nguồn Chinhphu.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận