Giáo viên “nghiện” quay clip học sinh đăng lên Tiktok coi chừng phạm luật
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, các văn bản pháp luật hiện hành đều có những quy định bảo vệ trẻ em. Việc giáo viên “nghiện” quay clip học sinh đăng lên mạng xã hội có thể vi phạm các quy định pháp luật, dù clip đó chỉ mang tính chất giải trí.
Vừa qua, một giáo viên của Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) bị nhắc nhở, kiểm điểm vì đăng tải đoạn video lên mạng xã hội TikTok với nội dung "đi dạy mà áp lực quá".
Trong đoạn video nữ giáo viên quay mặt từng học sinh trong lớp và cho biết bản thân bị áp lực vì phải dạy con hiệu trưởng, con của giáo viên tổ trưởng tổ địa lý, con của công an, con của đại gia bất động sản...
Sau khi video này xuất hiện trên mạng xã hội đã thu về hàng nghìn lượt xem, bình luận, chia sẻ. Không ít người bày tỏ lo lắng vì hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội mà chưa nhận được sự cho phép của học sinh, phụ huynh. Hơn nữa, hình ảnh trong video có thể bị kẻ xấu lợi dụng, cắt ghép làm ảnh hưởng đến đời tư học sinh.
Thực tế trong thời gian qua có không ít giáo viên “nghiện” mạng xã hội, quay video có hình ảnh học sinh đăng tải lên mạng xã hội Tiktok, Facebook… không khó để tìm được những clip Tiktok viral, triệu view của các thầy cô giáo, đặc biệt là những clip quay cùng học sinh.
Bên cạnh những clip quay lại những khoảnh khắc vui vẻ của thầy và trò thì cũng có nhiều clip học sinh đã cố gắng che mặt, không muốn xuất hiện trong video, nhưng một số giáo viên vẫn cố gắng quay bằng được khuôn mặt của học sinh.
Một số thầy cô giáo khác thì rủ học sinh nhảy nhót, công khai danh tính, gia cảnh của gia đình học sinh lên các nền tảng mạng xã hội.
Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN), luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc giáo viên chụp ảnh, quay video có hình ảnh học sinh, hoạt động lớp học và đăng tải lên mạng xã hội không phải là hoạt động mang tính chất nghề nghiệp, phục vụ cho việc giáo dục học sinh mà chủ yếu có tính chất giải trí, cảm xúc.
Tuy nhiên những hình ảnh đưa lên không gian mạng như vậy có thể dẫn đến việc lộ lọt thông tin, hình ảnh cả nhân của học sinh, các đối tượng xấu lợi dụng những hình ảnh đó để có hành vi bắt nạt, đe dọa, thậm chí là thu thập trái phép những hình ảnh học sinh phục vụ cho mục đích xấu.
“Về góc độ pháp lý, quyền hình ảnh được pháp luật bảo vệ. Trong nhiều trường hợp chưa chắc học sinh đã đồng ý để giáo viên sử dụng hình ảnh của mình đưa mạnh xã hội. Do vậy, việc sử dụng hình ảnh của trẻ em thì phải được trẻ em và người giám hộ là cha mẹ đồng ý”, luật sư Đặng Văn Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho biết, hiện nay Luật an ninh mạng, Luật trẻ em, các văn bản pháp luật có liên quan đều có những quy định bảo vệ trẻ em, đặc biệt là bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Với những hình ảnh của cá nhân của người khác, đặc biệt là hình ảnh trẻ em phải hết sức thận trọng và phải tính đến nhiều góc độ khác nhau, trong đó có tình huống hình ảnh đó rơi vào tay kẻ xấu muốn lợi dụng lạm dụng hình ảnh học sinh để thực hiện các mục đích sai trái. Lúc đó giáo viên sẽ phải đối mặt với những hậu quả về mặt pháp lý.
“Những giáo viên thường xuyên có những hành động như vậy thì cần phải xem xét lại. Những video, clip nào đã đăng tải lên mạng xã hội thì cần gỡ bỏ. Đồng thời các cơ sở giáo dục cũng cần quán triệt về việc sử dụng mạng xã hội của giáo viên cũng như sử dụng hình ảnh của lớp học, của nhà trường, các hoạt động có tính chất riêng tư đăng lên mạng xã hội”, ông Cường khuyến cáo.
Bên cạnh hậu quả về mặt pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, hiện nay mạng xã hội, nhất là Tiktok ngày càng ảnh hưởng đến giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên. Nhiều học sinh ở bậc tiểu học đã “nghiện” sử dụng mạng xã hội, học theo, làm theo và “đu” trend.
“Việc giáo viên cũng nghiện mạng xã hội, cùng học sinh quay video và đăng tải lên mạng xã hội khiến học sinh càng lạm dụng sử dụng điện thoại, mạng xã hội mà quên đi nhiệm vụ chính của mình là học tập”, ông Cường cảnh báo.
Tại Khoản 11, Điều 6 của Luật Trẻ em 2016 có quy định nghiêm cấm hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em.
Khoản 1 Điều 36 trong Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9.5.2017 của Chính phủ cũng nêu rõ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên; có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.
Khoản 2 Điều 36 trong Nghị định này cũng nhấn mạnh cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng phải sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em./.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận