Đối tượng giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh có thể đối mặt án 15 năm tù giam
Theo lời khai của Nguyễn Thị Tuyến (33 tuổi, Chương Mỹ), đối tượng giả làm y tá bắt cóc trẻ sơ sinh với mong muốn mang cho đồng nghiệp có nhu cầu nhận con nuôi, để được hưởng lợi ích vật chất.
Mới đây, lực lượng chức năng huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) đã tiến hành tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Thị Tuyến (33 tuổi, Chương Mỹ) về hành vi Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.
Theo lời khai của đối tượng Tuyến (làm công nhân trên địa bàn huyện Chương Mỹ, thời gian qua, đối tượng vừa bị lừa mất 10 triệu đồng qua mạng nên khó khăn về tiền bạc. Sau đó, Tuyến được biết có một đồng nghiệp có nhu cầu tìm trẻ sơ sinh làm con nuôi.
Đối tượng Nguyễn Thị Tuyến
Tuyến nghĩ nếu bắt cóc trẻ sơ sinh mang cho đồng nghiệp thì sẽ được cảm ơn bằng tiền. Nên tối 19/8, Tuyến đến Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ, mặc áo blouse giả làm nhân viên y tế. Đối tượng giả vờ khám cho trẻ em tại khoa rồi bế một cháu bé đi, nói là cần khám do nghi bé bị bệnh vàng da.
Sau đó, bà của bé sơ sinh đi theo làm Tuyến lúng túng. Tuyến bị một bác sĩ trong bệnh viện phát hiện khiến đối tượng bỏ chạy. Nhưng lực lượng bảo vệ của bệnh viện đã giữ được đối tượng.
Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật Chính pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: "Đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền nhân thân của công dân, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Bởi vậy việc cơ quan chức năng phát hiện và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật."
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, luật trẻ em quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi, nghiêm cấm các hành vi: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em. Hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến các quyền cơ bản của trẻ em, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội. Bởi vậy người thực hiện hành vi bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi đưa trẻ em ra khỏi nơi quản lý của cha mẹ, người giám hộ một cách công khai thông qua việc sử dụng vũ lực hoặc lén lút nhằm chiếm đoạt quyền quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đáng lên án.
Người thực hiện hành vi Chiếm đoạt trẻ em có thể dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để chiếm giữ trẻ em. Mức án cho tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi có thể lên tới 15 năm tù.
Ngoài ra, nếu chiếm đoạt trẻ em để bán hoặc để tống tiền cha mẹ của trẻ, thì những hành vi này sẽ bị xử lý về tội Mua bán người, tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản...
"Bởi vậy trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nhân thân của đối tượng, làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi. Xác định hậu quả mà đối tượng đã gây ra đối với xã hội, để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật." - Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, với hành vi Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, hình phạt thấp nhất là từ 3 năm tù, hình phạt cao nhất có thể tới 15 năm tù. Vụ việc cho thấy nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra với trẻ em bất kỳ lúc nào, bất kỳ nơi đâu. Chỉ cần người lớn sơ suất là trẻ em có thể gặp nguy hiểm từ việc bị tai nạn, bị bắt cóc hoặc gặp các rủi ro khác như bị bạo hành, xâm hại....
Đứng trước thực trạng nguy hiểm này, các bậc làm cha, làm mẹ, những người giám hộ cần phải nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tránh tình huống trẻ em gặp tai nạn hoặc gặp phải đối tượng xấu... Bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện Nhi, bệnh viện sản là những nơi đông người, trong đó có nhiều trẻ em. Nguy cơ trẻ em bị đánh tráo, bị bắt cóc, chiếm đoạt là không nhỏ.
Ngoài việc các bậc phụ huynh nâng cao cảnh giác thì các cơ sở y tế cũng cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em./.
Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp; c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; d) Đối với từ 02 người đến 05 người; đ) Phạm tội 02 lần trở lên; e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Đối với 06 người trở lên; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Làm nạn nhân chết; đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận